Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa - hỗ trợ tăng trường kinh tế
Kích cầu tiêu dùng nội địa được khai thác hiệu quả, đây là một trong những giải pháp quan trọng đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai để giữ đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2580 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Kích cầu tiêu dùng nội địa được khai thác hiệu quả, đây là một trong những giải pháp quan trọng đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai để giữ đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bà Trịnh Thị Kim Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, nhiều chính sách hỗ trợ đã tạo động lực quan trọng đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng thời gian qua.
"Chúng tôi thấy rằng chính sách của Nhà nước đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận đối với quy trình công nghệ, nhất là hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng, đặc biệt là tiếp cận của các doanh nghiệp với các doanh nghiệp lớn. Tôi ví dụ như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, họ đã đổi mới quy trình công nghệ, đảm bảo an toàn thực phẩm".
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Điểm mới của chương trình khuyến mại năm 2024 là phát triển các loại hình kinh doanh thông minh, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, góp phần bình ổn giá hàng hóa, ổn định thị trường.
"Hà Nội vẫn phải bứt phá và tăng tốc với những giải pháp cụ thể, đẩy mạnh chương trình khuyến mại tập trung để cho các hệ thống phân phối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất và đưa ra các sản phẩm giá thành hấp dẫn, hình thức khuyến mại để tri ân cho khách hàng. Tổng thể năm nay Hà Nội sẽ tổ chức khuyến mại tất cả các nhóm ngành hàng".
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác ưu tiên kích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trường GDP năm 2024. Đây cũng là nội dung kết luận tại Nghị quyết 82 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, trong đó Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).