Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, lành mạnh thị trường tín dụng
Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, từ đó giúp đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được khơi thông từ đó tạo nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại.
Một trong những ngân hàng chọn khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng là đối tượng trọng tâm, ngân hàng này cho biết nhu cầu vay tiêu dùng thời gian qua liên tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút, khách hàng cũng đã tìm hiểu và vay vốn tiêu dùng chính thống tại các tổ chức tín dụng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra những sản phẩm may đo phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng cụ thể như mua nhà, sửa nhà, tiêu dùng,… tháo gỡ thúc đẩy tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn lành mạnh, hạn chế tín dụng đen".
Bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính được cấp phép hoạt động từ ngân hàng nhà nước cũng là nguồn cung tín dụng tiêu dùng cho người dân.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngân hàng, nợ xấu hiện nay của 16 công ty tài chính được cấp phép vào khoảng 8 - 10%, có trường hợp lên đến 20%. Điều này khiến nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ. Ngoài nguyên nhân đến từ tình hình kinh tế gặp nhiều thách thức, còn do tình trạng người vay cố tình "bùng nợ" không trả.
Bà Olena Khlon, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính SHB Finance chia sẻ: "Hiện tại tình hình kinh tế đang đi xuống cộng với những khủng hoảng trong thu hồi nợ chúng tôi đang gặp phải ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tài chính tiêu dùng. Như trong năm 2014 thì tỉ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2%, tuy nhiên hiện tại đã tăng lên 10-20%. Đây là con số rất lớn, con số này hoàn toàn không có lợi cho thị trường tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Ông Marcin Trusz, Giám đốc khối Xử lý tín dụng FE Credit cho biết:" Chúng tôi đang đối mặt khó khăn thu hồi nợ đó là hoạt động bùng nợ của một số tổ chức bùng phát trong xã hội, với tỷ lệ khách hàng vay không trả tăng nhanh, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện chưa có với các khoản vay giá trị thấp".
Theo các chuyên gia, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng, người vay cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải minh bạch hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay, thu hút người vay đến các tổ chức tín dụngchính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: "Những khoản cho vay đó phải được miễn thuế, được hưởng cơ chế ưu đãi, tái cấp vốn của NHNN thì mới ra cơ chế khuyến khích cho các TCTD dành một phần tín dụng cho các đối tượng này, đó là với các định chế tài chính chính thức, thứ 2 với người đi vay, chúng ta phải nhận định đúng đối tượng khó khăn cần vay là gì, họ không có tài sản thế chấp thì phải tăng cường cho vay tín chấp".
Hiện mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm. Do vậy, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.