Đẩy mạnh tốc độ tiêm phòng sởi
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi sởi, trong đó ít nhất có 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19%), miền Bắc (15%), Tây Nguyên (gần 9%). Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch và ban hành hướng dẫn mới nhất chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.

Bộ Y tế đã phát động kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trên toàn quốc năm 2025.
Dịch sởi hiện xuất hiện trên hầu hết tỉnh, thành phố
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế): Dịch sởi hiện đã xuất hiện trên hầu hết tỉnh, thành phố, đặc biệt tập trung ở miền Nam với 57% tổng số ca, miền Trung 19%, miền Bắc 15%, và Tây Nguyên 9%. Một số địa phương ghi nhận số ca mắc tăng mạnh, gồm Cao Bằng, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang và Lâm Đồng. Trong đó, 5 trường hợp tử vong ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam và Bình Phước.
Phân tích thống kê cho thấy, nhóm trẻ từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất với 73%. Trẻ dưới 6 tháng tuổi và từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, nhóm chưa đến tuổi tiêm chủng, lần lượt chiếm 5% và 10%. Đặc biệt, 91% trong tổng số ca mắc chưa được tiêm vaccine, 5% không rõ tiền sử tiêm chủng và chỉ 4% đã được tiêm.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2024, số ca mắc sởi tăng nhanh trên toàn cầu, với nguy cơ bùng phát dịch ở nhiều quốc gia do tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ đạt mức 80% hoặc thấp hơn. Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm phòng sởi chưa đạt yêu cầu, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi đất nước đang bước vào chu kỳ bùng phát dịch 5 năm một lần. Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cập nhật có điểm mới là phân cấp chi tiết cho các đơn vị, các cơ sở y tế theo các cấp chuyên môn đều có thể tham gia việc thu dung, điều trị và chuyển tuyến.
Theo đó, hai đợt dịch sởi gần nhất là vào năm 2019 và 2014. Riêng năm 2014, hơn 110 trẻ đã tử vong do bệnh sởi. Một năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ sinh ra. Với kịch bản tỷ lệ tiêm vaccine sởi đạt 90-95%, thì 5-10% trẻ không được tiêm chủng. Tích lũy, sau 4-5 năm sẽ có khoảng gần một triệu trẻ có nguy cơ mắc sởi. Số này có thể lây lan cho nhóm chưa đến tuổi tiêm chủng và chưa có miễn dịch với bệnh.
TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: Số ca nhập viện trong 3 tháng đầu của năm 2025 cao hơn hai lần tổng số ca của cả năm 2024. Trong số đó, 14% bệnh nhân dưới 6 tháng tuổi; 60% chưa tiêm chủng hoặc chưa đủ tháng tuổi để tiêm. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 70-90 ca, cao điểm hơn 100 ca/ngày, gần 70% trẻ trên 9 tháng tuổi nhập viện mắc sởi, trong đó gần 60% chưa tiêm một mũi vaccine nào.
Nguy cơ lây lan nhanh chóng
Trong bối cảnh bệnh đang gia tăng trên cả nước, mới đây, Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với các địa phương về phòng chống dịch sởi. Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đánh giá ba nguyên nhân khiến dịch gia tăng trong năm nay. Trong đó, tốc độ tiêm chủng thấp, không chạy kịp tốc độ lây lan của dịch, là nguyên nhân chính. Cục trưởng Cục Phòng bệnh Hoàng Minh Đức cho hay trong hai năm đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, cùng với thời gian qua thiếu vaccine sởi - rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Ông Đức cho rằng, tốc độ tiêm vac-cine sởi chậm hơn tốc độ lây lan dịch. Nhiều địa phương cuối tháng 2 và tháng 3 mới vừa phê duyệt kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine sởi, chậm bố trí kinh phí mua các vật tư tiêm chủng, nên tạo khoảng trống miễn dịch. Tỷ lệ tiêm chủng không đạt dẫn tới miễn dịch cộng đồng thấp và khi có dịch thì bùng lên nhanh.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh chóng, khi 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần người nhiễm. Trung bình mỗi bệnh nhân có thể lây nhiễm cho 12-18 người khác.
Theo ông Hoàng Minh Đức, ngành y tế hiện gặp nhiều khó khăn trong phòng dịch, đặc biệt về nguồn cung vaccine. Việc đảm bảo đầy đủ vaccine hiện phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ quốc tế, trong khi các địa phương chưa chủ động mua sắm vaccine và bố trí kinh phí thực hiện.
Khuyến cáo tiêm vaccine sớm
Ngành y tế dự báo số ca mắc sởi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như miền núi hoặc các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nơi điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.
Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã phát động Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi trên toàn quốc vào năm 2025. Kế hoạch này mở rộng nhóm tiêm chủng, bao gồm trẻ từ 6-9 tháng tuổi tại 24 tỉnh, thành phố, đồng thời tiếp tục bổ sung nhóm trẻ từ 1-10 tuổi và nhóm có nguy cơ cao tại 17 tỉnh, thành khác.
Vaccine sởi vốn được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng giảm và tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 90% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn cung vaccine gián đoạn từ những năm trước, từ cuối 2024 Bộ Y tế cho phép mở rộng độ tuổi tiêm ngừa sởi từ 6 tháng. Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh thì tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để chặn đứng chuỗi lây nhiễm của virus sởi, cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
WHO đánh giá tỷ lệ tiêm chủng không đạt mức độ bao phủ cần thiết là 95% thì không ngăn được các đợt bùng phát, bệnh tật, tử vong và loại trừ bệnh sởi. Tại Việt Nam, kết quả triển khai tiêm chủng mở rộng thường xuyên (bao gồm cả tiêm bù, tiêm vét) trong năm 2024 cho trẻ 9 tháng tuổi (mũi 1) đạt 87,4%, còn tỷ lệ tiêm sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi (mũi 2) là 97,7%. Nhiều địa phương tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vaccine mới đạt khoảng 50%.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-manh-toc-do-tiem-phong-soi-10302567.html