Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người yếu thế
Trợ giúp pháp lý (TGPL) nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, thực hiện công tác TGPL trong hoạt động tố tụng cho người dân.
Đẩy mạnh TGPL trong hoạt động tố tụng
Mới đây, đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh do Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hoa làm trưởng đoàn cùng đại diện các cơ quan Công an, TAND, Viện KSND, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Tài chính đã có buổi kiểm tra tại các cơ quan: Công an, Viện KSND, TAND, Nhà tạm giữ Công an tại 2 huyện Tây Hòa và Phú Hòa theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.
Kết quả kiểm tra công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại 2 địa phương này, cho thấy: Công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Phú Hòa, Tây Hòa ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc có đối tượng thuộc diện được TGPL ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2020-2022, tổng số vụ việc được TGPL trên địa bàn Phú Hòa, Tây Hòa là 132 vụ/132 người, trong đó Phú Hòa 80 vụ, Tây Hòa 52 vụ.
Thượng tá Trần Xuân Thủy, Phó Trưởng Công an huyện Tây Hòa, cho biết: Thời gian qua, Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tây Hòa và Nhà tạm giữ công an huyện đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện Thông tư liên tịch số 10; thực hiện việc niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL do Trung tâm TGPL Nhà nước cung cấp; cấp phát mẫu đơn yêu cầu TGPL để Nhân dân tiếp cận khi cần thiết; giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiểu rõ về quyền được TGPL...
Bà Phan Thị Hoa nhận định: Qua đợt kiểm tra cho thấy, cơ quan điều tra, nhà tạm giữ, TAND, Viện KSND ở huyện Tây Hòa và Phú Hòa về cơ bản đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Thông tư liên tịch số 10 quy định. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều thực hiện tốt việc thông báo niêm yết bảng thông tin TGPL. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các ngành, các địa phương đều làm tốt công tác giải thích cho những đối tượng TGPL biết được quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đồng thời thông báo về cho Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp để trung tâm ra quyết định cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của trung tâm tham gia bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng yếu thế, các đối tượng được quy định tại Điều 7 của Luật TGPL năm 2017.
“Đặc biệt, việc kiểm tra sổ sách, giấy tờ biểu mẫu qua hoạt động phối hợp cho thấy các cơ quan giải quyết các vụ án đảm bảo đúng người, đúng việc đảm bảo quyền được TGPL của các đối tượng TGPL. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Thời gian tới, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh sẽ tích cực triển khai hoạt động TGPL đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương trong tỉnh để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các đối tượng TGPL theo quy định của pháp luật”, bà Hoa cho biết.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động TGPL
Chia sẻ về công tác TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Nguyễn Thị Khánh Duy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: Sau khi Thông tư liên tịch số 10 có hiệu lực, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng Phú Yên hoạt động khá hiệu quả. Trung tâm đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức quán triệt, tập huấn các nội dung của thông tư, cung cấp bảng tin, hộp tin, danh sách, số điện thoại của các trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL và các loại biểu mẫu, sổ theo dõi theo quy định tại thông tư cho tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp.
Nói về lợi ích của việc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh hỗ trợ, em Sô Y Nhất (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) thuộc đối tượng người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi được TGPL bày tỏ: Em rất biết ơn cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh đã giúp em hiểu biết hơn về pháp luật, nhận thức về việc làm chưa đúng của bản thân để sau này không bị vướng vào con đường phạm pháp như trước đây.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng dù rất nỗ lực trong công tác TGPL, nhưng hiện nay, không ít người yếu thế trong tỉnh chưa biết đến quyền lợi này của mình. Chính vì vậy, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh rất cần được các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người nghèo, người cận nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và những người có khó khăn về tài chính đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh tiếp cận được dịch vụ TGPL miễn phí khi có vướng mắc pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Khánh Duy cho hay: Thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông TGPL về cơ sở, cấp phát tờ gấp pháp luật; phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo đài; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng TGPL cho đội ngũ thực hiện TGPL; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng để triển khai hiệu quả, đảm bảo quyền được TGPL của người dân ngay từ ban đầu…
Theo Trung tâm TGPN Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với phòng tư pháp 9 huyện, thị, thành phố, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp tiếp nhận, thực hiện TGPL 211 vụ, việc. Từ đó góp phần giúp các đối tượng được TGPL tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/287974/day-manh-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-yeu-the.html