Đẩy mạnh truyền thông dự thảo chính sách xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Truyền thông dự thảo chính sách xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Làm tốt công tác truyền thông dự thảo chính sách sẽ góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL, tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải ban hành hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Quyết định 407/QĐ-TTg, ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” đã đặt ra mục tiêu từ năm 2023, những chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL.
Bên cạnh đó, xác định rõ truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm bám sát mục tiêu của Đề án.
Tại Hà Nam, quá trình triển khai Đề án cho thấy, nhiều sở, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách xây dựng VBQPPL, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, quan trọng.
Công an tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV. Ảnh: CAHN
Những năm qua, Công an tỉnh Hà Nam là đơn vị luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác truyền thông, lấy ý kiến đóng góp dự thảo chính sách xây dựng các VBQPPL liên quan đến lĩnh vực phụ trách quản lý, triển khai thực hiện. Theo đó, năm 2022, Công an tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về Luận cứ khoa học, thực tiễn của việc xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng 2 dự án luật; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của 2 dự án luật trong thực tế đời sống xã hội và công tác bảo đảm ANTT; những luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn xác đáng của việc xây dựng 2 dự án luật; cơ sở thực tiễn, những vấn đề trọng tâm cần quan tâm, chú ý về phương hướng xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật…
Ngay sau hội thảo, Công an tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp, báo cáo với Bộ Công an để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết để ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, lấy ý kiến đóng góp dự thảo chính sách xây dựng các VBQPPL, năm 2023, Công an tỉnh Hà Nam cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về 5 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV và các kỳ họp tiếp theo gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến sự cần thiết xây dựng, ban hành và nội dung cơ bản của 5 dự án luật; những khó khăn, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện một số quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến 5 dự án luật…
Bên cạnh tổ chức các hội thảo, hội nghị, việc truyền thông và lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL; lấy ý kiến đóng góp dự thảo chính sách xây dựng các VBQPPL cũng được các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện thông qua hệ thống cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương… Riêng tại Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hà Nam (https://hanam.gov.vn/pages/vanbanduthao.aspx), từ ngày 06/02/2022 đến nay đã cập nhật hơn 100 văn bản dự thảo cấp tỉnh để lấy ý kiến nhân dân, trong đó có hơn 10 văn bản dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách xây dựng VBQPPL thời gian qua có lúc, có nơi, có việc chưa được triển khai thực sự đồng bộ, hiệu quả. Vẫn còn ít ý kiến tham gia đóng góp thông qua hệ thống cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, mới chỉ thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL đã được ban hành mà chưa chú trọng truyền thông chính sách, nhất là có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội trong quá trình soạn thảo VBQPPL…
Truyền thông dự thảo chính sách xây dựng VBQPPL nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật. Từ nhận thức đó, để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới và chuẩn bị tốt nhất các dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (diễn ra trong tháng 5/2024), các đơn vị, địa phương đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, góp ý các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.