Đẩy mạnh tự chủ chi thường xuyên của các trường đại học, cao đẳng công lập

Thanh Hóa hiện có 7 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công lập trực thuộc UBND tỉnh (trong đó 2 trường ĐH và 5 trường CĐ). Trong những năm qua, chất lượng và số lượng tuyển sinh hàng năm của các nhà trường luôn được thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch được giao của UBND tỉnh, trong đó giai đoạn 2016-2018 số lượng tuyển sinh của trường đạt thấp nhất là trên 36% và cao nhất gần 131%...

Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa hướng dẫn sinh viên thực hành trên mô phỏng.

Cùng với đó, để bảo đảm kinh phí cho các hoạt động chi thường xuyên của các trường ĐH, CĐ, hàng năm ngân sách Nhà nước đã cấp hàng trăm tỷ đồng, đồng thời các trường đã tăng nguồn thu từ dịch vụ, đáp ứng yêu cầu chi thường xuyên. Giai đoạn 2017-2018, tổng thu của các trường ĐH, CĐ công lập trên 628 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 428 tỷ đồng, còn lại là thu dịch vụ. Từ các nguồn trên, nhất là thu từ dịch vụ, phần nào tăng thêm nguồn lực, giúp các trường tự chủ về kinh phí chi thường xuyên, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, năm 2017 mức độ tự chủ về kinh phí chi thường xuyên của các trường ĐH, CĐ bình quân đạt 30%, năm 2018 đạt 31%. Trong đó Trường CĐ nghề Nghi Sơn thực hiện tự chủ tài chính cao nhất 41% (năm 2017) và 42% (năm 2018), ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch 41% (năm 2018)...; thấp nhất là CĐ nghề nông nghiệp và CĐ nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn 22% (năm 2018).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nội vụ, tổ chức, bộ máy của các trường ĐH, CĐ còn cồng kềnh, chưa tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị còn chồng chéo; số người làm công tác hỗ trợ, phục vụ tại một số trường còn cao, chưa phù hợp và cân đối... dẫn đến thừa thiếu cục bộ. Ngoài ra, quy mô tuyển sinh đào tạo, số lượng học sinh, sinh viên ngày càng giảm tại một số trường (trong đó một số trường tuyển sinh trong 3 năm gần đây không đạt chỉ tiêu đề ra, một số ngành không tuyển được sinh viên hoặc số lượng ít), nhưng số người làm việc không giảm; đối tượng miễn giảm học phí nhiều; mức thu học phí theo quy định còn thấp, vì vậy dẫn đến nguồn thu giảm, tỷ lệ tự chủ về tài chính thấp...

Để thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã xây dựng đề án xác định vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc của các trường ĐH, CĐ trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện theo cơ chế tự chủ, giai đoạn 2019-2020. Mục tiêu của đề án đó là việc xây dựng đề án phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức; Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 14/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và thực tế tại các nhà trường. Qua đó làm căn cứ để tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, sắp xếp, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng hạng, bổ nhiệm, đánh giá, quy hoạch cán bộ, viên chức; đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trong các nhà trường. Theo đó, căn cứ quy mô tuyển sinh giai đoạn 2016-2018 và dự báo giai đoạn 2019-2020 và thực trạng số người làm việc, lao động hợp đồng; thu, chi tài chính, cân đối và xác định mức độ tự chủ về tài chính đến năm 2020. Cùng với đó, hàng năm, trên cơ sở số lượng người làm việc được UBND tỉnh giao, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xác định số người làm việc tăng thêm thực hiện theo cơ chế tự chủ, bảo đảm tổng số người làm việc được UBND tỉnh giao và số lượng người làm việc do hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quyết định không vượt quá số lượng người làm việc được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định. Ngoài ra, để bảo đảm lộ trình tự chủ tại các trường ĐH, CĐ công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh quyết định cho Trường ĐH Hồng Đức thu học phí theo mức áp dụng với các cơ sở chưa đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Đến năm 2021 giao cho Trường ĐH Hồng Đức thu học phí với mức khoảng 75% đến 85% mức trần học phí được phê duyệt tại Nghị định 86 áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, để hoạt động theo cơ chế tự chủ. Cùng với đó, các trường ĐH, CĐ công lập thuộc UBND tỉnh xây dựng phương án trình UBND tỉnh đặt hàng đối với sinh viên theo chuẩn đầu ra, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 trường ĐH, CĐ tự đảm bảo chi thường xuyên là ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch; CĐ nghề công nghiệp; CĐ nghề Nghi Sơn và CĐ Y tế Thanh Hóa. Trước mắt, dự kiến phấn đấu năm 2020, mức độ tự chủ về tài chính của các trường ĐH, CĐ là 34%.

Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/day-manh-tu-chu-chi-thuong-xuyen-cua-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-cong-lap/111142.htm