Đẩy mạnh tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Quốc hội tuyên truyền sâu rộng về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng, những cống hiến lớn lao của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội Đổi mới của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy Quốc hội vừa có Công văn số 124-VC/BTGDV, gửi các đảng ủy trực thuộc về việc tuyên truyền thân thế và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Các đảng ủy trực thuộc được đề nghị tuyên truyền sâu rộng về tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng, những cống hiến lớn lao của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Giáo dục tư tưởng chính trị, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Căn cứ tình hình thực tế, cấp ủy tổ chức hoạt động tham quan, sinh hoạt chuyên đề tại Triển lãm "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp".
Theo Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc, sinh ngày 01/7/1915, trong một gia đình công chức nghèo yêu nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan Triển lãm "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp". Ảnh: ST
Là một người con của quê hương Hưng Yên giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng qua các thế hệ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thử thách hết sức cam go. Đồng chí đã có mặt và tham gia lãnh đạo cách mạng ở những địa bàn, những giai đoạn then chốt.
Ngay từ năm 1930, đồng chí đã bắt đầu hoạt động cách mạng và bị thực dân kết án khi mới 15 tuổi. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đưa ra khỏi nhà tù Côn Đảo và đã tham gia nhiều hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định khi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bắt đầu.
Trong những năm đầu hết sức khó khăn của cách mạng miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, trên cương vị người đứng đầu Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã góp phần quan trọng dẫn dắt cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ, góp phần xây dựng Nghị quyết 15 (tháng 7/1959) - Nghị quyết có ý nghĩa quyết định đối với đường lối cách mạng miền Nam và là kim chỉ nam cho phong trào Đồng khởi.
Trên cương vị Bí thư, Phó Bí thư Trung ương cục Miền Nam, “anh Mười Cúc” đã cùng đồng chí, đồng đội tham mưu và triển khai xuất sắc những chỉ đạo của Bộ Chính trị về đường lối cách mạng miền Nam, góp phần đánh thắng những chiến lược chiến tranh khác nhau của Mỹ Ngụy, đem lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoạt động ở nhiều địa phương, nhiều miền đất của Tổ quốc. Trong đó, cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn bó sâu sắc nhất là với miền Nam, với Thành phố mang tên Bác. Chính những năm tháng trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố lớn nhất cả nước trong 5 năm nhiệm kỳ Đại hội V, với trăn trở và tâm huyết lớn lao, đã giúp đồng chí cùng lãnh đạo, đồng bào TP. Hồ Chí Minh tìm tòi những cách làm mới để khắc phục khó khăn về kinh tế, xã hội, qua đó, đề xuất những cách làm mới để phát huy sự chủ động, sáng tạo của nhân dân, góp phần hình thành đường lối Đổi mới được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thông qua tháng 12/1986.../.
Triển lãm "Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp" được tổ chức từ tháng 7 đến hết tháng 12/2025 tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, với đất nước và với nhân dân.
Triển lãm được bố cục gồm 5 phần chính với hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Phần I - Quê hương, gia đình, thời niên thiếu (1915 – 1930) giới thiệu về thời niên thiếu cũng như quê hương, gia đình và hành trình giác ngộ cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh). Tái hiện hình ảnh đồng chí xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ đã ham học, sớm có tình yêu đối với con người, làng xóm, quê hương, thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ dưới chế độ thực dân cai trị, sớm nhận thức được vận mệnh đất nước mà tìm đến cách mạng.
Phần II - Trưởng thành trong cuộc đấu tranh cách mạng (1931 - 1945), giới thiệu về thời gian đồng chí Nguyễn Văn Linh bị địch bắt giam và bị đày, tra tấn nơi “địa ngục trần gian” - nhà tù Côn Đảo (giai đoạn 1931 - 1936 và giai đoạn 1941 - 1945).
Phần III - Sát cánh cùng đồng bào miền Nam (1946 - 1975), giới thiệu về quá trình hoạt động vô cùng phong phú, sôi nổi, sát sao với thực tiễn thăng trầm của phong trào cách mạng và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào miền Nam. Sau khi được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí được bầu và tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Phần IV - Trăn trở, tìm tòi hướng đi mới (1976 - 1986) giới thiệu về quá trình đồng chí Nguyễn Văn Linh với các vai trò, trọng trách trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Phần V - Lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 1996) giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986). Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tài liệu, hình ảnh giới thiệu những đóng góp quan trọng và có hiệu quả của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn trong nước và những biến động lớn trên thế giới; kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.