Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID – 19Tin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

Từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, gần 2 năm qua, các cấp, ngành, người dân đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong việc thống kê, báo cáo, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát tình trạng sức khỏe người dân…

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo và văn bản của UBND tỉnh, gần 2 năm qua, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa các ứng dụng công nghệ số vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, góp phần thông tin nhanh, chính xác,; cấp ủy, chính quyền kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, cùng đó người dân, doanh nghiệp cũng được tiếp cận thông tin chính thống, thích ứng linh hoạt trước diễn biến của dịch bệnh.

Lực lượng Bộ đội biên phòng được tập huấn theo dõi thông tin về công tác phòng dịch COVID – 19 trên nền tảng cửa khẩu số

Lực lượng Bộ đội biên phòng được tập huấn theo dõi thông tin về công tác phòng dịch COVID – 19 trên nền tảng cửa khẩu số

Cụ thể, thời gian qua, Lạng Sơn đã phát triển 2 ứng dụng phòng, chống COVID-19 gồm: Bản đồ dịch tễ Covidmaps, Cửa khẩu số (khai báo đối với lái xe xuất, nhập khẩu). Cùng đó, triển khai 3 ứng dụng: Bluezone, NCOVI, VHD, đến nay gọi là phần mềm PC-COVID (ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 quốc gia), nền tảng quản lý tiêm chủng, sổ sức khỏe điện tử. Cùng với đó, Lạng Sơn còn triển khai nhiều ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi văn bản thành giọng nói phát thanh; hỗ trợ 100% trung tâm y tế tuyến huyện triển khai hệ thống hội chẩn từ xa (Telehealth-Viettel); hệ thống quản lý các khu cách ly tập trung…

Trong số các phần mềm đã triển khai thì hệ thống nền tảng cửa khẩu số được sử dụng tương đối hiệu quả với địa bàn biên giới có nhiều cửa khẩu như Lạng Sơn. Thay vì phải khai báo trên giấy như trước, ứng dụng nền tảng này, lái xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua 16 chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh chỉ cần khai báo qua điện thoại thông minh. Nền tảng còn cho phép theo dõi quá trình kiểm tra, phòng dịch đối với phương tiện, hàng hóa tại kho bãi. Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2021 song đến nay, đã có hơn 90.000 lượt người và phương tiện xuất, nhập khẩu được kiểm tra, kiểm soát thông qua nền tảng này, tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đến các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Để chuyển tải thông tin nhanh, kịp thời đến người dân trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch, công nghệ AI chuyển đổi văn bản thành giọng nói phát thanh cũng được triển khai tại hệ thống truyền thanh. Với ứng dụng này, hệ thống chuyển đổi văn bản thành giọng nói, đưa thông tin phòng, chống dịch COVID-19 nhanh chóng, kịp thời trên hệ thống truyền thanh cấp xã. Ứng dụng công nghệ này, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển 200.000 tin bài từ văn bản thành giọng nói để phát tại cơ sở.

Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu tài liệu hướng dẫn khai báo y tế trên nền tảng cửa khẩu số

Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu tài liệu hướng dẫn khai báo y tế trên nền tảng cửa khẩu số

Các ứng dụng số khác như: hệ thống hội chẩn từ xa, camera giám sát tại các khu cách ly, PC-COVID (ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia) cũng có tác dụng tích cực trong việc hạn chế người dân di chuyển, kiểm soát người cách ly, truy vết điểm đến của người mắc bệnh, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Hiện cả tỉnh có 228.000 điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng PC-COVID (chiếm hơn 43% dân số toàn tỉnh); thông tin của 851.000 mũi tiêm được cập nhật lên nền tảng tiêm chủng quốc gia; có trên 282.000 lượt truy cập ứng dụng Covidmaps…

Anh Nguyễn Duy Mạnh, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Trong thời điểm dịch bệnh trên địa bàn huyện có diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi thường xuyên truy cập vào bản đồ số Covidmaps để theo dõi tình hình dịch bệnh. Từ đó, biết được những địa điểm có diễn biến phức tạp mà chủ động phòng tránh, hạn chế tiếp xúc, nâng cao hiệu quả phòng dịch.

Các nền tảng công nghệ số được ứng dụng vào thực tiễn góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Theo Báo cáo số 430/BC-UBND ngày 13/10/2021 của UBND tỉnh về sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả tốt nhất ứng dụng công nghệ phòng, chống COVID-19. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai ứng dụng thêm các nền tảng số phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

THỤC QUYÊN

THANH PHONG - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/466588-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-phong-chong-dich-covid-19.html