Đẩy mạnh ứng dụng số chống hàng giả, gian lận thương mại
Cần ứng dụng các giải pháp số như ứng dụng AI để phân biệt hàng thật, hàng giả, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành, địa phương trong xử lý hàng giả…
“Nơi trú ngụ” của hàng giả, gian lận thương mại
Ngày 7/7, tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đã trao đổi các giải pháp xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Trưng bày, giới thiệu hàng thật, hàng giả tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” (Ảnh: Vũ Lê)
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie, nhu cầu tiêu dùng qua thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng, các hành vi buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên thương mại điện tử cũng tăng theo. “Hiện tại, tới 90% hàng giả và hàng xâm phạm quyền được tiêu thụ và bán ở trên các cái nền tảng là thương mại điện tử hay là các mạng xã hội”, ông Tuấn nói và cho biết, không chỉ bán hàng giả, các đối tượng còn tạo các website giả mạo hay sử dụng mạng xã hội, AI … để quảng cáo hàng giả.
Ông Tuấn cho rằng, người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt được là đâu là hàng thật, hàng giả. Việc kiểm duyệt, truy vết hàng giả ở trên các nền tảng thương mại điện tử rất khó khăn nếu không có sự hợp tác chặt chẽ của các nền tảng thương mại điện tử.
Vì vậy, các cơ quan chức năng phải kiểm soát các hành vi liên quan đến thương mại điện tử một cách toàn diện hơn, chủ động rà soát và kiểm tra các hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, kể cả các mạng xã hội, ví dụ như là Facebook, TikTok. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các nền tảng, các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Ảnh: Vũ Lê)
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, một trong những khó khăn của lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ đó là nhu cầu tiêu dùng thông qua thương mại điện tử ngày càng cao trong khi ý thức của người dân về chống hàng giả trên môi trường này còn hạn chế.
Theo ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng có những hệ lụy nhất định. Mà thấy rõ là hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Mạng xã hội là một sàn thương mại điện tử không chính thức. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tính ẩn danh, thiếu kiểm soát của người quản mạng xã hội để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực hiện hành vi gian lận thương mại. Phổ biến như tạo tài khoản bán hàng livestream, rao bán sản phẩm gắn mác hàng hiệu nhưng thực tế lại là hàng giả. Lợi dụng chính sách giao hàng nhanh, thu hộ để giao hàng lậu, hàng vi phạm….

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Ảnh: Vũ Lê)
Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI để xử lý vi phạm thương mại điện tử
Để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong thời gian tới, nhất là vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện nhiều cơ quan quản lý cho rằng phải ứng dụng được công nghệ số vào xử lý các vi phạm trên môi trường số.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng cho biết, Chi cục vừa được Ban Chỉ đạo 57 của Đà Nẵng giao xây dựng ứng dụng AI để phân biệt hàng thật, hàng giả với kỳ vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả; tăng hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vũ Lê)
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để xử lý hiệu quả các vi phạm trên môi trường số cần thiết phải xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ban, ngành trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng như địa phương.
“Chúng tôi rất hy vọng, nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu và được chia sẻ giữa các ngành, giữa các địa phương để chúng tôi có thể vào đó tìm, đọc, vừa học, vừa sử dụng cho công việc của mình thì sẽ chủ động hơn”, ông Đạt nói và chia sẻ thêm: “Bây giờ chúng ta như là đang dắt cái xe đạp xịt lốp đi trên đường cao tốc. Phương tiện, kiến thức, cơ sở pháp lý không có thì lấy cái gì ra chặn cái ông container chạy trên đường cao tốc?”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Vũ Lê)
Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, đơn vị đang tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Luật Thương mại điện tử nhằm quản lý tốt hơn trên môi trường thương mại điện tử. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm. Đồng tình với ông Đạt, ông Ninh cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, giữa các địa phương thông qua việc chia sẻ dữ liệu. “Sắp tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ xây dựng các cơ sở dữ liệu. Khi xây dựng Luật Thương mại điện tử cũng sẽ có nội dung yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải báo cáo, nội dung này chúng tôi đã đưa vào dự thảo luật”, ông Ninh cho hay.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Vũ Lê)
Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, sẽ có nhiều thách thức đối với các lực lượng chức năng, đặc biệt khi các đối tượng chủ mưu cầm đầu hoạt động thương mại bất hợp pháp vận dụng và ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Vì vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, linh hoạt, liên địa bàn, liên tỉnh. Các công chức lực lượng thực thi trong ngành, lĩnh vực cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số thông qua các chương trình đào tạo tập huấn. Các đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ phân công, chủ động thực hiện chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số theo lộ trình, chuẩn hóa quy trình chương trình đào tạo nội bộ, ứng dụng công nghệ phát triển nguồn nhân lực số vào công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Trong 6 tháng đầu năm năm 2025, các sàn thương mại điện tử đã gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm; đóng 11.000 shop có các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.