Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học ngoại ngữ
Ngày 3/12, Đoàn khảo sát Bộ GD&ĐT đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đoàn công tác do TS. Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn; Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
Tại buổi làm việc, ông Đào Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ GD&ĐT... về triển khai thực hiện Đề án. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 và hằng năm theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Qua thực hiện Đề án, cơ sở vật chất, phòng học ngoại ngữ, trang thiết bị dạy học môn tiếng Anh được chuẩn hóa và tăng cường theo hướng hiện đại, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên rõ rệt (tỉ lệ giáo viên trong biên chế đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ từ 82,74% năm 2020 lên 98,25% năm 2024); tỉ lệ trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh tăng từ 14,2% năm 2020 lên 45,28% năm 2024.
Tỉnh Thái Nguyên bước đầu xây dựng được môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trao đổi kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ với các trường phổ thông của một số nước... Tỉ lệ học sinh học chương trình tiếng Anh tự chọn đối với lớp 1 và lớp 2 tăng từ 48,67% năm 2020 lên 100% năm 2024, số học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương tăng nhanh...
Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Danh Nam – Trưởng Ban đào tạo Đại học Thái Nguyên thông tin: Trong 3 năm từ 2021 đến nay, nhận được sự hỗ trợ của Đề án NNQG, Đại học Thái Nguyên đã xây dựng 5 chương trình, giáo trình, tài liệu giảng bằng tiếng Anh và 2 chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra ngành đào tạo Sư phạm tiếng Trung và Ngôn ngữ Trung.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trong việc cử cán bộ quản lý để quản lý, tổ chức các lớp bồi dưỡng trong điều kiện thuận lợi nhất cho học viên. Các đơn vị cũng rất chủ động trong việc phát triển tài liệu giảng dạy tiếng Anh dùng chung cho toàn trường, giáo trình ngữ âm tiếng Hàn, bộ giáo trình tiếng Hàn tổng hợp.
Thời gian tới, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn tiếp theo với mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong các Nhà trường. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước.
Tăng cường thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Phát triển đội ngũ về khảo thí ngoại ngữ, đầu tư xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng trực tuyến về năng lực khảo thí ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ; có chính sách thu hút giáo viên dạy giỏi ở những nơi vùng sâu vùng xa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng tài nguyên học liệu về Ngoại ngữ, có cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo viên công tác tại những địa bàn khó khăn; Kiến nghị môn Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, biểu dương những kết quả trong thực hiện đề án dạy và học Ngoại ngữ tại Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, giải quyết những khó khăn, đánh giá hiệu quả để kịp thời điều chỉnh bổ sung thực hiện hiệu quả đề án dạy và học Ngoại ngữ. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ, đồng thời, tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong thời gian tới.