Đẩy mạnh việc giám sát, xét nghiệm và tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị y tế trong tỉnh về việc đẩy mạnh việc giám sát, xét nghiệm và tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, đến nay, đã có 15.666.671 người mắc; 636.787 người tử vong tại 215 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát; tính đến 15h00’ ngày 24-7-2020, cả nước đã điều trị khỏi cho 365/412 trường hợp bệnh, các bệnh nhân còn lại đang được cách ly, quản lý điều trị chặt chẽ; từ ngày 16-4-2020 đến nay trên cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, tuy nhiên nguy cơ dịch tái xâm nhập, bùng phát và lây lan ở trong nước cũng như trong tỉnh là rất lớn, khó lường, do trong nước đã xuất hiện ca bệnh Dương tính với SARS-CoV-2 chưa xác định được các yếu tố tiếp xúc.
Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch COVID - 19, chủ động giám sát, xét nghiệm sàng lọc các đối tượng nguy cơ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, ngay từ khi dịch còn ở quy mô nhỏ, diện hẹp, hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 các huyện, thị xã, thành phố; Các đơn vị y tế trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, để nhân dân không lơ là chủ quan, tích cực thực hiện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, hạn chế tập trung đông người không cần thiết, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, rèn luyện thể lực phù hợp nâng cao sức đề kháng...; loại bỏ các thói quen làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như: Bắt tay, sờ tay lên mũi, miệng, khạc, nhổ, không che miệng khi hắt hơi, gặp gỡ, tụ tập đông người không cần thiết...
Đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, xét nghiệm đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Thanh Hóa (nhất là đối với các chuyên gia, lao động nước ngoài...), người đến từ vùng có dịch, người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh và các trường hợp liên quan khác; Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo dịch hàng ngày về cơ quan thường trực phòng chống dịch (Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh;
Kiện toàn và tăng cường hoạt động của các tổ giám sát phòng chống dịch (nhất là ở các thôn, bản, tổ dân phố...) để tích cực rà soát phát hiện sớm những đối tượng đến, đi qua vùng dịch, người nhập cảnh vào Việt Nam và đến Thanh Hóa không theo đường nhập cảnh chính thống (qua đường mòn, lối mở, tàu thuyền...), đặc biệt là những người qua biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và qua biên giới với nước bạn Lào về Thanh Hóa;
Bảo đảm tình trạng sẵn sàng hoạt động của các khu cách ly tập trung tuyến huyện đã thành lập để tổ chức cách ly ngay khi phát hiện các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn; hạn chế tối đa việc đưa đối tượng cách ly từ các địa phương về khu cách ly của tỉnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng;
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn lập kế hoạch, tổ chức tốt việc tiếp nhận, cách ly người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh vào Thanh Hóa để làm việc, đảm bảo tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch COVID-19 trong cơ sở cách ly cũng như lây nhiễm ra cộng đồng theo công văn số 7178/UBND-VX ngày 04-6-2020 của UBND tỉnh.
Yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh phải thực hiện chế độ thường trực chống dịch 24/24 giờ trong tất cả các ngày, rà soát, bổ sung các điều kiện về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, điều kiện phân luồng, cách ly, điều trị, điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn... bảo đảm sẵn sàng đáp ứng với các tình huống mới của dịch bệnh; Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc phân luồng khám chữa bệnh, đảm bảo tất cả những người có biểu hiện bệnh đường hô hấp được hướng dẫn phân luồng, khám tại phòng khám riêng dành cho các bệnh hô hấp ngay từ khi mới đến cơ sở khám chữa bệnh. Tổ chức thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc khử trùng, kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh; Báo cáo hàng ngày tình hình khám các bệnh đường hô hấp cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp để phối hợp lấy mẫu và làm xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các trường hợp nghi ngờ; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng; đảm bảo năng lực thu thập, bảo quản mẫu, gửi mẫu xét nghiệm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm xét nghiệm theo quy định. Chủ động, tích cực tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các phương án phòng chống dịch kịp thời, có hiệu quả;
Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát, báo cáo Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung kinh phí đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch như: Giám sát, chống dịch, thường trực chống dịch, trang bị bảo hộ, vật tư, hóa chất, test kit...). Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường giám sát, lấy mẫu và làm xét nghiệm sàng lọc cho tất cả các đối tượng là các trường hợp nghi mắc bệnh, các trường hợp cách ly tập trung, các đối tượng nguy cơ cao... theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; Tất cả các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở chưa rõ nguyên nhân đến khám tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; Các trường hợp nghi ngờ khác theo đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thị xã, thành phố.