Đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai để đảm bảo tính bền vững cho công tác Dân số-KHHGĐ
Ngày 12/3/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 818/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án 'Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển, giai đoạn 2015 - 2020'. Đây là chủ trương đúng đắn, thiết thực và là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường, một trong những giải pháp huy động sự đóng góp của xã hội, tăng đầu tư, nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, bảo đảm tính bền vững cho công tác Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ).
Để thực hiện tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT có hiệu quả, thời gian qua Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo như Quyết định số 347/ QĐ-SYT ngày 15/4/2016 về việc triển khai Đề án “Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị, nông thôn phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020” và Kế hoạch số 44/KH-SYT ngày 16/9/2019 về việc “Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đồng thời tổ chức đồng bộ mô hình này từ tỉnh đến cơ sở, thiết lập kênh phân phối cộng đồng với gần 200 điểm cung cấp các PTTT tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ PTTT tới người dân được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau như lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm thông qua các buổi sinh hoạt của hội phụ nữ, nông dân, các buổi họp tại khu dân cư, khám thai định kì tại cơ sở y tế... Trong chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ, các PTTT như thuốc tiêm, thuốc cấy, bao cao su và viên uống tránh thai chỉ cấp miễn phí cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Những đối tượng còn lại được cung cấp qua kênh TTXH và xã hội hóa, đồng thời người dân không thuộc đối tượng hỗ trợ phải tự chi trả các chi phí dịch vụ KHHGĐ. Nhận thức rõ vấn đề này, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở đã luôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nắm bắt tâm lí và nhu cầu của người dân để có cách tiếp thị hiệu quả.
Năm 2011, sản phẩm triển khai thí điểm đầu tiên là viên uống tránh thai khẩn cấp Mifeviha. Đến nay đã có 5 loại sản phẩm được sử dụng chủ yếu trong mô hình tiếp thị xã hội PTTT là viên uống tránh thai NightHappy, LovePill; bao cao su NightHappy, Yes và dụng cụ tử cung Ideal. Đây chính là bước trung gian để tỉnh ta triển khai thực hiện việc xã hội hóa PTTT, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và trong thời gian tới tiếp tục cung cấp 13 sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS ra thị trường như que thử thai Quickstrip, Quicktana, dung dịch vệ sinh Gynopro, Vagis, viên sắt tổng hợp Prenatal Formula, Gel bôi trơn Sensi Love...
Có thể thấy rằng sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, hoạt động tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa dân số. Số cặp vợ chồng tự nguyện mua PTTT qua kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa ngày càng đông, góp phần nâng tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 86,3% kế hoạch, trong đó tỉ lệ người mới sử dụng biện pháp tránh thai từ kênh TTXH và xã hội hóa đạt 58,9% kế hoạch (năm 2018). Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp thị được 135.200 bao cao su và 29.250 vỉ thuốc viên uống tránh thai. Trong đó, huyện Vĩnh Linh, Gio Linh là những đơn vị có nhiều nỗ lực trong công tác này.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/ CSSKSS ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn như một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng phụ thuộc vào các dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ miễn phí nên chưa quen với việc tự chi trả. Mặt khác, các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân về xã hội hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ còn hạn chế. Một số sản phẩm cung ứng còn mới chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Huệ, viên chức dân số xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai miễn phí sang “tự chi trả” không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đối với những người có kinh tế khó khăn vẫn còn tư tưởng trông chờ vào việc được cấp phát miễn phí, còn với người có kinh tế khá giả thường tìm đến các tiệm thuốc tây. Do vậy, đội ngũ cộng tác viên dân số khi tiếp thị những sản phẩm này có phần hạn chế”.
Để hoạt động xã hội hóa PTTT, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, ngành Y tế - Dân số cần tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 110-CTHĐ/TU ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy, trong đó xác định việc củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Thực hiện cung cấp miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội; trợ giá phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ cho người có thu nhập thấp, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa PTTT, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị, nông thôn, chuyển dần từ xã hội hóa từng phần, từng bộ phận, sang xã hội hóa hoàn toàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và thông qua đội ngũ cán bộ dân số, tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền để mọi người thấy được lợi ích và nghĩa vụ của mình khi sử dụng các biện pháp tránh thai, góp phần đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình Dân số - KHHGĐ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144903