Đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị vệ tinh

Nhiều khu đô thị vệ tinh tại Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng, cơ hội để phát triển nếu được đầu tư và kết nối hạ tầng hoàn chỉnh. Ðó là một trong những nội dung tại báo cáo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố về đề án nhánh 'Ðịnh hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh'.

Một góc đô thị huyện Củ Chi.

Một góc đô thị huyện Củ Chi.

Đề án nhánh nêu trên nhằm phục vụ việc xây dựng các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh mà các sở, ngành, địa phương đang thực hiện. Báo cáo của đề án nhánh cho thấy, ngoại trừ huyện Nhà Bè đang dần tiệm cận với đô thị loại II thì bốn huyện còn lại (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ) hướng đến đô thị loại III, riêng huyện Bình Chánh gần đạt được đô thị loại III.

Việc giải quyết các vấn đề về giao thông kết nối có thể xem là nhiệm vụ xương sống tạo bước đệm cho sự phát triển lan tỏa đột phá. Cụ thể, hiện khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) cần hơn 70 phút để tiếp cận đến lõi trung tâm thành phố, còn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cần tới 120 phút. Với cấu trúc không gian hiện tại, các khu vực không tiếp cận được lõi trung tâm trong vòng 60 phút chưa thể thu hút đầu tư và phát triển bứt phá, còn các khu vực bên trong khu vực tiếp cận này tại vùng ven dễ trở thành đô thị “ngủ” (tức về đêm các khu vực vùng ven này ít sáng đèn hơn trung tâm thành phố và có mật độ dịch vụ thấp hơn) trừ khi có động lực tăng trưởng đủ lớn.

Theo quy hoạch, thành phố sẽ xây dựng, hình thành bốn khu đô thị vệ tinh để tạo động lực tăng trưởng mới, thực hiện nhu cầu giãn dân, giảm áp lực quá tải về hạ tầng. Ðó là các khu đô thị: Cảng Hiệp Phước (3.900ha); Tây Bắc (6.000ha); Du lịch biển Cần Giờ (2.870ha). Hiện nay, khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347ha của giai đoạn 1. Dự án đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỷ lệ 1/5.000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.

Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển. Còn khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với chức năng chính là khu vui chơi, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, chung cư, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ hạ tầng.

Về tiềm năng phát triển bứt phá các khu đô thị này, báo cáo cho rằng việc này phải gắn với các trung tâm thứ cấp theo mô hình đô thị tiên phong (edge city). Tuy nhiên, các edge city tại vùng ven xa như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) hay Cần Thạnh phụ thuộc vào việc có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối nhanh (đường sắt đô thị, đường vành đai, và đường cao tốc) hay không. Ðô thị Cảng Hiệp Phước có tiềm năng, được quy hoạch và ở vị trí gần hơn nhưng vẫn cần hiện thực hóa kết nối nhanh dọc (đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) và kết nối ngang (vành đai 4) để thu hút đầu tư và các dự án lớn. Huyện Bình Chánh có cơ hội phát triển khu tây trở thành edge city nếu nhìn từ quỹ đất và vị trí, nhưng thiếu kết nối nhanh, hệ sinh thái các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp cản trở khả năng vươn lên tầm cao, báo cáo phân tích.

Theo các chuyên gia đô thị, để phát triển bền vững những khu đô thị mới, thành phố không chỉ quy hoạch xây nhà, làm đường mà còn cần tạo ra việc làm để thu hút người dân về đây sinh sống và làm việc. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh cần ưu tiên tập trung phát triển vùng cao phía đông và tây bắc như Củ Chi, Hóc Môn. Huyện Cần Giờ chỉ nên phát triển du lịch và một phần nông nghiệp công nghệ cao, trong đó du lịch là chính nên không cần có chiến lược tăng dân số ở đó.

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, đất đai đang chuyển dịch nén tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè. Còn huyện Củ Chi và Cần Giờ, tăng trưởng đất đai nhanh hơn tăng trưởng dân số, cho thấy có tình trạng đầu cơ hoặc sử dụng đất chưa hiệu quả. Nhìn chung, quỹ đất thuận lợi cho xây dựng đô thị giai đoạn sắp tới ngày càng hạn hẹp. Các khu vực ngoại thành nếu chưa bê-tông hóa thì hầu hết nằm ở khu vực ít thuận lợi hoặc không thuận lợi xây dựng.

Nếu lựa chọn cách làm thông thường là tôn nền và bê-tông hóa diện rộng khu vực này, rủi ro sụt lún, ngập lụt có thể lan tới cả khu vực nội thành trong bối cảnh tần suất trận mưa cường độ lớn ngày càng gia tăng trong xu hướng biến đổi khí hậu cực đoan. Do vậy, thành phố cần có định hướng, quy hoạch phát triển bền vững để giữ được quỹ đất phát triển đô thị, tránh gia tăng đầu cơ đất đai.

Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các đề án nhánh của đề án chuyển các huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2023. Ðến nay, đề án nhánh “Con người đô thị” do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì đã hoàn thành. 4/5 đề án nhánh còn lại và 5/5 đề án đầu tư-xây dựng của năm huyện vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-xay-dung-cac-khu-do-thi-ve-tinh-post741779.html