Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp

Năm 2023, mặc dù nền kinh tế Hà Nam phải đối diện với không ít khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm; thị trường đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy chính quyền; sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh đã có bước chạy 'nước rút' thành công. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt so với kế hoạch năm; trong đó phát triển hạ tầng các khu công nghiệp được đánh giá là 'điểm sáng' trong bức tranh kinh tế của Hà Nam năm 2023.

Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiện đại, tỉnh Hà Nam đã xây dựng Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Phương án phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương có diện tích trong qui hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp hiện có.

Với quan điểm “công tác GPMB và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước”, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã tích cực phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cạnh các KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật theo hướng bảo đảm kết nối đồng bộ với khu vực lân cận để thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng nhấn mạnh: Xác định, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các KCN là “điểm nhấn” quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo của tỉnh đối với các ngành, các địa phương, phải bảo đảm điều kiện thuận lợi về mặt bằng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu cụm công nghiệp; làm sao để luôn luôn có mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng đầy đủ để thu hút các nhà đầu tư...

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến nay, toàn tỉnh hiện có 08 KCN/08 KCN theo quy hoạch đã và đang được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trên diện tích 2.292,06 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 1.652,8 ha. Tại KCN Đồng Văn I hiện đã triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng trên diện tích là 221,2 ha, với diện tích đất công nghiệp là 153,5 ha và đã được lấp đầy 100% diện tích. Riêng đối với phần diện tích 149,06ha mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng, chủ đầu tư đã GPMB được 148,5 ha và đã đầu tư cơ bản hoàn thiện hạ tầng của giai đoạn I với diện tích 100ha, đang tiến hành triển khai đầu tư hạ tầng khu B với diện tích 49,06ha. KCN Đồng Văn II đã triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ trên diện tích là 321 ha, trong đó đất công nghiệp là 237,97 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 96,1%. Các KCN hỗ trợ Đồng Văn III (giai đoạn I và II) phía Tây đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; KCN Đồng Văn IV (tổng diện tích 300 ha); KCN Châu Sơn (tổng diện tích quy hoạch là 377 ha, diện tích công nghiệp là 259,42ha); KCN Hòa Mạc (tổng diện tích là 131,0ha); KCN Thanh Liêm (tổng diện tích 293ha)... đến thời điểm này cũng đã cơ bản hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy đạt từ 80% trở lên.

KCN Đồng Văn III được xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ảnh: Thanh Bình

Là KCN thứ 8 của tỉnh, được thành lập từ năm 2019, với tổng qui mô là 200ha (chia làm 2 giai đoạn), hiện giai đoạn I (100ha) đã hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng và tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, KCN Thái Hà (Lý Nhân) được đánh giá là KCN đi đầu về chất lượng hạ tầng kỹ thuật và khả năng kêu gọi đầu tư. Ngày 6/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 179/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thái Hà giai đoạn II, tỉnh Hà Nam. Đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến. Theo đó, quy mô dự án KCN Thái Hà giai đoạn II cũng có diện tích khoảng 100ha, trong đó, chiếm chủ yếu là đất xây dựng nhà máy, kho tàng với tỷ lệ 75%, tương đương khoảng 75ha... KCN Thái Hà nằm dọc theo đường nối 2 cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng, nằm trên quy hoạch đường vành đai 5 Thủ đô, thuộc khu vực nút giao cầu Thái Hà và cầu Hưng Hà (nối liền 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình) đã tạo nên lợi thế rất lớn trong việc liên kết với các tỉnh thành, trung tâm kinh tế lớn tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, KCN cũng nằm trong quy hoạch chung của đô thị Thái Hà có diện tích 2,025ha. Điều này đã tạo nên lợi thế và tiềm năng rất lớn cho việc phát triển, thu hút đầu tư của KCN Thái Hà trong tương lai.

Ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân khẳng định: Với rất nhiều lợi thế về giao thông, liên kết vùng, thu hút lao động và được định hướng là KCN tập trung phát triển những ngành nghề công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, KCN Thái Hà sẽ là điểm đến đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế... Qua đó, sẽ có những đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam.

Có thể khẳng định, với vị trí thuận lợi nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, cùng với việc đầu tư hạ tầng cơ sở một cách có hệ thống, kết nối liên hoàn, Hà Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác toàn diện, sâu rộng với các tỉnh, thành phố năng động và phát triển nhanh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Tuy nhiên, năm 2024, vẫn được xác định là một năm còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nhưng đồng thời đây cũng là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Do đó, để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo; đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, công nghệ cao, Hà Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: tập trung huy động nguồn lực, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu du lịch…

Cùng với các giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh cũng sẽ tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư theo hướng thu hút các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu, đóng góp nhiều vào ngân sách của tỉnh. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể có thế mạnh của địa phương; đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/day-manh-xay-dung-ha-tang-cac-khu-cong-nghiep-111544.html