Đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bước đầu hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, gắn kết các nhà 'làm nông nghiệp tử tế' thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Người sản xuất và người tiêu dùng cùng chấp nhận đổi mới

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường; bảo đảm an toàn cho cả cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái và môi trường; gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Đồng Nai cho biết hiện nay trên địa bàn đã có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích canh tác 28,7ha và gần 1.000ha cây trồng theo hướng hữu cơ.

 Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) thu hoạch tiêu hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên

Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) thu hoạch tiêu hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh; người sản xuất chấp nhận đổi mới quy trình, người tiêu dùng chấp nhận giá cả mới. Năm 2023, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức được gần 7,8 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 238 nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức 6 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn...

Gắn kết các nhà “làm nông nghiệp tử tế” thành chuỗi giá trị

Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, tỉnh không chỉ chú trọng nhân rộng các mô hình hay diện tích sản xuất mà còn có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Theo báo cáo của Sở NN - PTNT, để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, cũng như để người sản xuất chấp nhận đổi mới quy trình, người tiêu dùng chấp nhận giá cả mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất quan tâm thu hút đầu tư theo chuỗi liên kết gắn với định hướng vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác, 108 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, theo hướng hữu cơ được tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn giá sản phẩm thông thường.

Đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm - một tập đoàn có kinh nghiệm hơn 20 năm về xây dựng chuỗi nông nghiệp hữu cơ, đã ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, hai bên phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi heo, tôm hữu cơ, an toàn sinh học… Kết quả, trong vòng 2 năm, tỉnh xây dựng 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bước đầu hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, gắn kết các nhà “làm nông nghiệp tử tế” thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Đồng Nai cũng đang hợp tác với Trường đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ. Việc canh tác hữu cơ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; giảm chi phí sản xuất bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; đồng thời, chất lượng nông sản cũng tăng lên.

Tỉnh đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ SOFIX của Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây bưởi và sầu riêng. Khi các mô hình trên được triển khai thành công, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục nhân rộng sang các cây trồng khác. Đến làm việc tại Đồng Nai, người phát triển công nghệ SOFIX của Nhật Bản, GS. Kubo Motoki (Trường Đại học Ritsumeikan) cho biết, việc chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân Đồng Nai là điều mà các nhà khoa học Nhật Bản rất mong muốn. Qua khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Đồng Nai, giáo sư rất bất ngờ khi nông dân Đồng Nai có nhận thức rất cao về canh tác nông nghiệp hữu cơ. Nông dân Đồng Nai hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất.

Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, với những cơ sở là Chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, liên kết sản xuất.

Phương Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/day-manh-xay-dung-he-sinh-thai-nong-nghiep-huu-co-post395939.html