Đẩy mạnh xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất nòng cốt
Để đáp ứng nhu cầu thực tế, Việt Nam đã đưa ra một lộ trình cụ thể nhằm tạo dựng một đội ngũ chuyên gia năng suất đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia quốc tế
Tăng năng suất chất lượng là một trong những mục tiêu quan trọng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, từ đó đủ lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, muốn vậy doanh nghiệp cần phải có kiến thức, sự hiểu biết về năng suất chất lượng, hay nói cách khác phải được tham gia vào các lớp đào tạo, các khóa học về nội dung này.
Để đáp ứng nhu cầu này, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó đáng chú ý, từ nay đến năm 2025 phải đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Đến năm 2030 sẽ đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất, chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.
Ngoài ra, tại Chỉ thị số 07-CT/TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất... Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất là một trong các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân của APO, nhằm thể hiện những nỗ lực hợp tác liên tục của APO với Tổ chức năng suất quốc gia (NPOs) trong việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia năng suất trong toàn khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, Chương trình cũng đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó bao gồm đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất. Cùng với đó, sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia, đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức năng suất châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Việc các chuyên gia năng suất của Việt Nam được cấp chứng nhận theo chuẩn mực của APO sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 1322/QĐTTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, cũng như là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 về việc Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, yêu cầu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Phải đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn
Theo ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất mang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng và hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất của APO; nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của các chuyên gia năng suất trong nước, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và niềm tin trước các đối tác và các tổ chức, doanh nghiệp về tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết, điều kiện để trở thành chuyên gia năng suất được chứng nhận theo chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO là phải đáp ứng các điều kiện về trình độ chuyên môn, tham gia và hoàn thành các khóa đào tạo liên quan đến lĩnh vực năng suất, có kinh nghiệm làm việc và thực hiện các dự án cải tiến năng suất, có kiến thức chuyên môn về năng suất, đồng thời phải có các kỹ năng thực hiện và kỹ năng cá nhân…
Việt Nam đã đưa ra một lộ trình và phương pháp khả thi để triển khai và phát triển Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam triển khai đề án thành lập Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia theo lộ trình. Việt Nam tiến hành thủ tục, hoàn thiện việc thành lập Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia; triển khai các hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; tổ chức đánh giá, ghi nhận các mô hình thực hành tốt về cải tiến năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Giai đoạn từ năm 2026-2030 nâng cấp Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia thành Tổ chức chứng nhận chuyên gia có pháp nhân độc lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời thúc đẩy các hoạt động chứng nhận năng lực cá nhân trong các lĩnh vực được công nhận bởi APO như: Chuyên gia năng suất; chuyên gia năng suất xanh; chuyên gia năng suất trong lĩnh vực công... và các tổ chức công nhận khác; phát triển mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế được chứng nhận theo Chương trình công nhận của APO-AB và các tổ chức công nhận khác; mở rộng các dịch vụ đánh giá, ghi nhận các mô hình thực hành tốt về cải tiến năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Mặt khác, với mong muốn đưa năng suất chất lượng đến gần với xã hội, cơ quan quản lý nhà nước chuẩn bị triển khai các kế hoạch phối hợp với các trường đại học đưa năng suất chất lượng trở thành một ngành học cho sinh viên.