Đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh chú trọng đến sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung. Cách làm này đã tạo bước đột phá lớn trên đồng ruộng: Sản xuất theo quy mô tập trung tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên diện tích gieo cấy.

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh chú trọng đến sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung. Cách làm này đã tạo bước đột phá lớn trên đồng ruộng: Sản xuất theo quy mô tập trung tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên diện tích gieo cấy.

Với Kim Bảng trong sản xuất 2 vụ lúa huyện luôn quan tâm đến xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 18 cánh đồng mẫu, tổng diện tích 585 ha ở tất cả các xã, thị trấn. Trong đó, 15 cánh đồng mẫu có diện tích 471 ha sản xuất lúa giống, lúa chất lượng. Đặc biệt, 4 cánh đồng thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đạt tổng sản lượng 800 tấn. Các cánh đồng được thực hiện gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Một số cánh đồng đã được áp dụng khâu gieo cấy lúa bằng máy.

Điển hình, tại xã Nguyễn Úy, có trên 50 ha liên kết với Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) sản xuất giống lúa thuần năng suất, chất lượng ND 502. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống lúa nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi sau khi thu hoạch. Năng suất và giá trị đem lại từ cánh đồng sản xuất lúa giống tập trung tại Nguyễn Úy cao hơn trên 10% so với ngoài mô hình…

Mô hình sản xuất lúa giống ND 502 tập trung tại HTXDVNN Nguyễn Úy (Kim Bảng) thực hiện trong vụ xuân năm 2022. Ảnh M Hùng

Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Kim Bảng cho biết: Huyện Kim Bảng chỉ đạo các địa phương xây dựng và duy trì mô hình cánh đồng mẫu để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, khuyến khích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với doanh nghiệp. Các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, nhất là cánh đồng mẫu của huyện đều phát huy được hiệu quả, nâng cao giá trị…

Cũng như Kim Bảng, các địa phương khác trong tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Nổi bật, huyện Bình Lục đã xây dựng được 17 cánh đồng mẫu, có tổng diện tích 513 ha. Phần lớn các cánh đồng mẫu của huyện đều sản xuất các giống lúa chất lượng và sản xuất lúa giống, như: LT2, DT37, BT7, nếp, ND502… Cùng với đó, một số tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện đã thực hiện tập trung ruộng đất, mỗi mô hình từ 10 đến 20 ha sản xuất lúa hàng hóa. Điển hình, anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động tập trung 20 ha bằng hình thức mượn lại ruộng của người dân sản xuất lúa thương phẩm.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ có diện tích 10ha của HTXDVNN La Sơn (Bình Lục).

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ có diện tích 10ha của HTXDVNN La Sơn (Bình Lục).

Hay HTXDVNN La Sơn xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ có diện tích 10 ha. Đây là mô hình sản xuất lúa đầu tiên của tỉnh được chứng nhận hữu cơ của cơ quan chức năng. Phần lớn các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung của huyện Bình Lục đều có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp giống và chế biến lương thực. Chỉ riêng Công ty cổ phần lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ) đã liên kết thu mua sản phẩm hơn 200 ha lúa sản xuất theo quy mô tập trung trên địa bàn huyện.

Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục: Sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung là sự phát triển tất yếu đối với 2 vụ lúa. Hướng đi này xóa bỏ được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự sản, tự tiêu như trước đây.

Sản xuất 2 vụ lúa của tỉnh từ nhiều năm trước đã được nhìn nhận cần xóa bỏ tình trạng manh mún ruộng đất, hướng đến sản xuất tập trung. Khởi đầu là việc thực hiện dồn đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn để mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 thửa ruộng thuận lợi cho quá trình sản xuất. Tiếp đến, Đề án xây dựng cánh đồng mẫu cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, gắn kết 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông) có quy mô 30 ha/cánh đồng trở lên. Các mô hình cánh đồng mẫu đặt ra mục tiêu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ mô hình sản xuất tập trung này hướng đến nhân ra diện rộng. Kết quả, cả tỉnh đang duy trì 74 cánh đồng mẫu, tổng diện tích 2.052 ha. Nhiều cánh đồng mẫu sản xuất lúa và cây trồng hàng hóa thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, đại lý. Riêng cây lúa, sản lượng các doanh nghiệp, đại lý thu mua 5.662 tấn/năm, chiếm tỷ lệ 43,1% tổng sản lượng thóc của các cánh đồng mẫu. Giá trị sản xuất trên các cánh đồng mẫu đạt bình quân 140 – 150 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 1,5 lần so với giá trị sản xuất chung cả tỉnh.

Từ hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu đem lại, tại các địa phương đã phát triển được thêm nhiều cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa có quy mô từ 10 – 20 ha/ cánh đồng trở lên. Các cánh đồng sản xuất tập trung cơ bản được sản xuất các loại lúa chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối thu mua.

Không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, các cánh đồng sản xuất quy mô lớn đang được các địa phương đẩy mạnh áp dụng đưa cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất, từ lấy nước, làm đất, đến gieo cấy, thu hoạch. Hiện, nhiều mô hình đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó, giúp giảm chi phí, giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động… Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Việc sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình tập trung đang phát huy tốt hiệu quả. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục tham mưu với tỉnh trong công tác chỉ đạo và hỗ trợ nhân rộng thêm những cánh đồng sản xuất tập trung…

Đối với sản xuất vụ lúa xuân 2023 và những vụ tiếp theo, ngành NN & PTNT xây dựng kế hoạch duy trì, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu; đồng thời khuyến khích tập thể, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp…

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/day-manh-xay-dung-vung-san-xuat-lua-hang-hoa-tap-trung-92255.html