Đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở khu vực miền núi
Trong những năm qua các cấp, ngành, đoàn thể đã tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, tăng số lượng người đi xuất khẩu lao động góp phần vào việc giảm nghèo ở một số huyện miền núi.
Từ đầu năm đến nay xã biên giới Quang Chiểu, huyện Mường Lát đã tư vấn, xuất khẩu lao động cho 58 người, riêng tại bản Pùng có khoảng 20 lao động được tư vấn, xuất khẩu lao động ở tị trường Đài Loan, Nhật Bản, cho thu nhập ổn định. Nhờ vậy đời sống của bà con nơi đây không ngừng cải thiện, nhiều nhà cao tầng, kiên cố được xây dựng.
Nhận thức được xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực để giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, huyện Mường Lát đã đưa được 422 lao động xuất khẩu. Thời gian tới, huyện sẽ đề nghị các ngành chức năng tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt tại thị trường Hà Quốc theo Chương trình EPS…
Trong quá trình thực hiện, UBND huyện Lang Chánh đã xây dựng kế hoạch triển khai tại các xã, thị trấn, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến tận các thôn, bản, khu dân cư và người lao động, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh có uy tín, tuyển chọn, cam kết đưa lao động đi xuất khẩu làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo đó hàng năm huyện có 5 -7 đơn vị tham gia tuyển chọn xuất khẩu lao động.
Bà Lê Hải Hưng, Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Lang Chánh, cho biết, thời gian qua huyện thường xuyên tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động khi xuất cảnh được vay vốn từ các nguồn vốn vay tín dụng xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn đào tạo, học nghề… Tích cực chủ động, tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu được chính sách, chế độ, thủ tục và quyền lợi khi xuất khẩu, làm việc có thời hạn ở nước ngoài đảm bảo đúng theo quy định.
Từ khi áp dụng Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2009 - 2020 huyện Lang Chánh đã đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài được 852 người.
Trong những năm qua, tuy số lao động xuất khẩu tại huyện Quan Sơn tăng về số lượng so với giai đoạn 2011 - 2015 nhưng lại tập trung ở các thị trường có mức thu nhập thấp như: Ả Rập Xê Út, Angieri, Rumani và Đài Loan, chủ yếu là các đơn hàng giúp việc gia đình. Các thị mạnh như Hàn quốc, Nhật Bản số lượng tham gia hằng năm chỉ đạt trên dưới 20 người. Riêng thị trường Nhật Bản mới được triển khai thực hiện ở Quan Sơn hai năm. Thị trường này có mức thu nhập bình quân là 30 triệu đồng/tháng, người lao động dễ trúng tuyển, nhưng mức phí ban đầu cao với khoảng trên 130 triệu đồng, đồng thời cũng khó gia hạn và tái xuất cảnh…
Để hoạt động xuất khẩu lao động tại các huyện miền núi đạt kết quả cao hơn nữa, thời gian tới ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương cần tích cực tuyên truyền, có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động.