Đẩy nhanh các dự án cụm công nghiệp ở Phúc Thọ (Hà Nội)

Do địa thế không thuận lợi nên huyện Phúc Thọ là một trong những địa phương đi sau của Thủ đô trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, với việc xác định mũi nhọn tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là chính sách thu hút các dự án, Phúc Thọ từng bước vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Nhiều dự án mới được triển khai

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ cho biết: “Phát triển các cụm công nghiệp là chủ trương lớn của huyện với định hướng 13 cụm công nghiệp. Đến tháng 6-2020, UBND TP Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 6 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện là Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Võng Xuyên".

Tìm hiểu tại Phúc Thọ, chúng tôi được biết, khó nhất là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao đất cho các nhà đầu tư. Ông Trần An Trung, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho biết: "Quá trình GPMB, chúng tôi thực hiện chặt chẽ, đúng các quy định của pháp luật, gồm: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường; quản lý đất đã được GPMB".

 Địa điểm hẹp khiến Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Văn Nhàn (thôn Thanh Mạc) muốn được chuyển vào cụm công nghiệp Thanh Đa.

Địa điểm hẹp khiến Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Văn Nhàn (thôn Thanh Mạc) muốn được chuyển vào cụm công nghiệp Thanh Đa.

Có thể nói, việc GPMB trong các dự án của Phúc Thọ được triển khai khá nhanh. Điều này vừa có lợi cho người dân, vừa khiến các nhà đầu tư không bị kéo dài thời gian thực hiện dự án. Trong 6 dự án các cụm công nghiệp triển khai từ tháng 6-2020 thì đến nay, cụm công nghiệp Tam Hiệp liên quan đến 314 hộ dân phải thực hiện thu hồi, đền bù đất thì chỉ còn vướng 1 hộ. Cụm công nghiệp Võng Xuyên liên quan hơn 100 hộ chỉ còn vướng 2 hộ. Cụm công nghiệp Liên Hiệp liên quan hơn 100 hộ còn vướng 12 hộ. Cụm công nghiệp Thanh Đa liên quan đến 78 hộ còn vướng 2 hộ. Cụm công nghiệp Long Xuyên, Nam Phúc Thọ đang được đẩy nhanh các bước.

Nói thêm về cách làm trong công tác GPMB, ông Nguyễn Đình Sơn cho biết: Mọi bước được huyện thực hiện minh bạch, công khai. Quan điểm của huyện là đã làm thì phải quyết tâm. Tất cả các bước phải bài bản, đúng trình tự, đầy đủ pháp lý. Đối với các nhà đầu tư, huyện yêu cầu phải cam kết không huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng. Còn đối với các hộ dân, nếu cố tình không thực hiện, cản trở chủ trương đã được đồng thuận thì sẽ cương quyết cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, với phương châm tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục có lý, có tình, năm 2021, huyện đã xử lý dứt điểm 257 trường hợp có vi phạm về đất đai, trong đó chỉ có 2 hộ phải tiến hành cưỡng chế.

Đồng thuận để đẩy nhanh tiến độ

Nằm bên sông Đáy, các thôn của xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp rất phát triển. Tuy vậy, việc các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đã nảy sinh nhiều bất cập. Ông Hoàng Đình Mùi, Bí thư Chi bộ thôn Phú An, xã Thanh Đa cho biết: "Thôn có 440 hộ thì có đến 140 hộ có xưởng sản xuất, chế biến. 80% các xưởng sản xuất đặt tại gia đình nên tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, mùi sơn, tiếng ồn gây nhiều phiền phức cho người dân. Đặc biệt, người dân luôn bất an trước nguy cơ cháy, nổ. Người dân nhiều lần kiến nghị các cấp với mong muốn có một khu công nghiệp để sản xuất tập trung. Việc cụm công nghiệp Thanh Đa đứng chân trên địa bàn xã, đang tiến hành GPMB để có thể sớm đi vào hoạt động khiến chúng tôi rất phấn khởi".

Khi biết có dự án cụm công nghiệp Thanh Đa, ông Lưu Đình Văn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Văn Nhàn (thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa) mong muốn: “Công ty chúng tôi sản xuất và cung cấp vật liệu cho các làng nghề. Tuy vậy, do diện tích tại nhà quá chật nên khó cho công việc. Tôi rất muốn cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để công ty được thuê địa điểm sản xuất”. Tương tự trường hợp ông Văn, nhiều chủ cơ sở sản xuất mong muốn được góp vốn để đẩy nhanh dự án nhưng hiện chủ đầu tư chưa có chính sách này. Ông Nguyễn Tiến Quyền, chủ cơ sở sản xuất Hoàng Long, thôn Phú An chia sẻ: “Tôi muốn được chuyển cơ sở sản xuất của mình vào cụm công nghiệp. Người dân ở đây đồng thuận cao để dự án nhanh chóng hoàn thành công tác GPMB”.

Có mặt tại UBND xã để tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân, ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên, nhà đầu tư cụm công nghiệp Thanh Đa cho biết: “Cụm công nghiệp có quy mô giai đoạn 1 là 8,3ha. Để triển khai dự án, công ty luôn phối hợp với chính quyền huyện và xã để triển khai công tác GPMB được thuận lợi, bảo đảm đầy đủ các thủ tục pháp lý. Công ty cũng đã có văn bản cam kết với UBND huyện không tiến hành huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng. Khi cụm công nghiệp đi vào hoạt động, công ty sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân nằm trong diện có diện tích đất công ích thuộc diện GPMB có nhu cầu thuê địa điểm đặt cơ sở sản xuất, các hộ dân thuộc địa bàn mà cụm công nghiệp đứng chân”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: "Đây là cụm công nghiệp được quy hoạch nhằm di dời các cơ sở sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư. Quá trình thu hồi, đền bù đất, các cơ quan chức năng của huyện và xã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Việc tuyên truyền, nói rõ lợi ích của cụm công nghiệp được bà con đồng thuận cao. Trong số 78 hộ dân có đất công ích nằm trong diện thu hồi, đền bù đất thì đến nay chỉ còn 2 hộ có vướng mắc. Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ, đây là dự án Nhà nước thu hồi đất. Chúng tôi rất mong huyện sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để dự án khu công nghiệp được triển khai nhanh, mang lại lợi ích cho cả địa phương, nhà đầu tư và người dân".

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-nhanh-cac-du-an-cum-cong-nghiep-o-phuc-tho-ha-noi-689821