Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 33% kế hoạch mục tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm và tương đương với cùng kỳ năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu năm 2024, hiện nay các cơ quan, đơn vị liên quan đang triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Nhà thầu huy động phương tiện thực hiện thảm mặt đường dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18, tại phân đoạn km 6

Nhà thầu huy động phương tiện thực hiện thảm mặt đường dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn km 3+700 đến km 18, tại phân đoạn km 6

Trong 6 tháng đầu năm 2024, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện giải ngân nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Trong đó, những vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác thu tiền sử dụng đất để bố trí cho các dự án gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; các chủ đầu tư lúng túng trong thực hiện thủ tục đấu thầu các công trình theo Luật Đấu thầu mới do văn bản hướng dẫn có nhiều thay đổi…

Cụ thể, trong số 38 dự án chuyển tiếp do các cơ quan cấp tỉnh quản lý, có 8 dự án tiến độ chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế; trong số 9 công trình mục tiêu quốc gia khởi công mới do các cơ quan cấp tỉnh quản lý đều chưa thực hiện khởi công do vướng về quy hoạch tổng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đối tượng chi. Đối với 8 dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn đầu tư công tập trung do cấp tỉnh quản lý mới thực hiện khởi công được 1 công trình, 7 công trình còn lại chậm về hoàn thiện thủ tục đầu tư và vướng mắc về đấu thầu theo Luật Đấu thầu mới…

Đối với tình hình thực hiện 5 dự án trọng điểm của tỉnh sử dụng vốn đầu tư công và 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tiến độ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, có 3/5 công trình chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng; 1 dự án thiếu chỉ tiêu đất giao thông.

Theo thống kê của Kho bạc nhà nước tỉnh, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, còn 6 đơn vị được giao chủ đầu tư cấp tỉnh có kết quả đạt từ 7% đến dưới 30% kế hoạch vốn và có 8 đơn vị được giao chủ đầu tư chưa có kết quả giải ngân. Đối với các đơn vị chủ đầu tư cấp huyện, thành phố, có 8 đơn vị có kết quả giải ngân đạt từ 35% đến 52% kế hoạch vốn giao; có 3 đơn vị giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch vốn giao.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư công năm 2024 toàn tỉnh là 3.449 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị được giao chủ đầu tư đã giải ngân được 1.128/3.449 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch vốn giao (tương đương cùng kỳ 2023). Theo kế hoạch và mục tiêu UBND tỉnh đặt ra trong năm 2024 các đơn vị phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Như vậy, số vốn cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 còn 2.321 tỷ đồng, đây là áp lực rất lớn đối với các đơn vị được giao chủ đầu tư.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch

Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao quản lý tổng số 1.981,1 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, vốn do ban được giao chủ đầu tư là hơn 594,4 tỷ đồng; vốn do ban được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ được UBND tỉnh giao dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT là 1.386,4 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2024, các dự án do ban làm chủ đầu tư đã giải ngân được 227,6/594,4 tỷ đồng, đạt 38,3% kế hoạch; dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giải ngân đạt 34,9/ 1.386,7 tỷ đồng, tương ứng 2,5% kế hoạch. Khối lượng vốn ban cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Ông Bùi Hoàng Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng tỉnh phân tích: Đối với các dự án do ban làm chủ đầu tư công tác giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên đến hết tháng 12/2024 rất khả thi. Bởi vì các dự án này những tồn tại về mặt bằng ảnh hưởng đến thi công, tiến độ xây lắp còn rất nhỏ, trong quý III/2024 sẽ giải quyết xong. Áp lực nhất là khối lượng giải ngân vốn dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, bởi nguồn vốn được giao chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, để giải ngân được, ban hoàn toàn phụ thuộc vào UBND các huyện trong việc phê duyệt phương án bồi thường nhanh hay chậm và người dân có đồng thuận ủng hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân đối với nguồn vốn dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, ban đã thành lập 5 tổ công tác chuyên trách với 40 cán bộ để hỗ trợ UBND các huyện trong việc đo đạc, kiểm đếm, lập phương án, vận động các hộ nhận tiền tạm ứng và bàn giao mặt bằng trước. Mục tiêu đặt ra, từ nay đến cuối năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt 750 tỷ đồng. Liên quan đến thi công xây lắp, hiện dự án đã bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 5/60 km, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đào đắp, dự kiến đến cuối năm 2024 khối lượng đào đắp ước ước đạt 250 tỷ đồng. Trong đó từ khi khởi công dự án đến hết ngày 8/7/2024, các nhà thầu đã đào đắp đạt giá trị khối lượng 70 tỷ đồng.

Tương tự, Ban Quản lý Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông Lạng Sơn cũng đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Trong đó, ban đã phát động các đợt thi đua cao điểm đẩy nhanh tiến độ xây lắp hoàn thành các công trình trong năm 2024, thiết lập các tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp các hạng mục.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông Lạng Sơn thông tin: Trong 6 tháng cuối năm, ban phấn đấu đưa vào khai thác 4 công trình hạ tầng giao thông có tính kết nối cao và phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn giao trong quý III. Hiện các dự án này đang được các nhà thầu thi công 3 ca 4 kíp để hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch UBND tỉnh chỉ đạo và hợp đồng đã ký kết.

Cùng đó, khối chủ đầu tư cấp huyện, thành phố cũng đang thực hiện rà soát lại tình hình thực hiện các công trình dự án nhằm thúc đẩy thi công, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Mặc dù trong 6 tháng đầu năm huyện là đơn vị đứng thứ 2 trong số 11 huyện, thành phố có kết quả giải ngân cao nhất, nhưng cũng chưa đạt yêu cầu của huyện đề ra. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, huyện đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn, cụ thể như tăng cường kiểm tra, đôn đốc các công trình, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới; công trình mục tiêu quốc gia, các công trình nằm trong kế hoạch để đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Cùng đó, huyện cũng chỉ đạo quyết liệt Trung tâm Phát triển quỹ đất và các phòng ban chức năng dồn toàn lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Để kiểm soát và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm, bà Hứa Thị Hằng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra các công trình dự án trọng điểm của tỉnh và tại các huyện; tổ chức duy trì giao ban đánh giá kết quả giải ngân đối với các đơn vị chủ đầu tư toàn tỉnh theo tháng, quý và thường xuyên rà soát cũng như đề nghị các đơn vị đăng ký kế hoạch giải ngân theo từng tháng. Cùng đó, sở cũng thường xuyên hỗ trợ các chủ đầu tư và phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, điều hòa vốn thực hiện các dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư. Với sự quyết tâm của các chủ đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện trong giải phóng mặt bằng các dự án và sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, hy vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-5014422.html