ĐẨY NHANH HIỆU QUẢ, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Để đẩy nhanh hiệu quả, tiến độ thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý điều hành các CTMTQG và phương án thành lập Văn phòng Điều phối NTM các cấp cho phù hợp.

CTMTQG xây dựng NTM giải ngân vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 CTMTQG

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, CTMTQG xây dựng nông thôn (NTM) mới giai đoạn 2021 -2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với mục tiêu tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội

Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kinh phí thực hiện Chương trình được Ngân sách nhà nước bố trí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng); Vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, đến nay các văn bản quản lý, hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện CTMTQG xây dựng NTM đã được ban hành khá đầy đủ, có nhiều đổi mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Bộ Cẩm nang về xây NTM đúc kết các nội dung căn bản, cốt lõi triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 đến nay đã có 02 tiêu chí vượt mục tiêu là Tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo, Tiêu chí số 16 về Văn hóa và 08 tiêu chí được đánh giá là gần đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, các kết quả này cũng cần được kiểm chứng, đánh giá lại, đặt trong bối cảnh triển khai đồng thời 3 CTMTQG.

Song song với việc triển khai thực hiện các tiêu chí về NTM, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu và trình Thủ tướng ban hành 06 Chương trình chuyên đề. Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến hết tháng 6/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên (so với 4.469 sản phẩm năm 2020), trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là Hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, các giá trị văn hóa vùng miền, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 06/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, nguồn vốn của Chương trình chủ yếu dành cho các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hạn chế, bất cập trong triển khai thực CTMTQG xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong triển khai thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới.

Các Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn so với giai đoạn 2016- 2020, trong đó, có nhiều chỉ tiêu mới, tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, theo đánh giá của nhiều địa phương Tiêu chí số 10 về thu nhập và Tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều do các xã chưa đạt NTM ở các địa phương đa phần là các xã nghèo, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn thấp, trong khi mức chuẩn nghèo đa chiều có sự điều chỉnh cho giai đoạn 2021-2025 là khó hoàn thành nhất.

Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, bảo dưỡng. Các chương trình chuyên đề triển khai chậm.

Ngoài ra, còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền về triển khai xây dựng NTM. Trong đó miền núi phía Bắc và vùng Tây nguyên có kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thấp nhất; vùng miền núi phía Bắc có tiêu chí bình quân vùng thấp nhất.

Tỷ lệ vốn đối ứng của Chương trình là rất cao, trong khi đó việc huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM hạn chế, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Thực tế vốn huy động của người dân và cộng đồng chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường, trong khi đó việc thống kê nguồn vốn huy động này cũng chưa có sự hướng dẫn, thống nhất mà chủ yếu do địa phương tự thống kê.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do tác động nặng nề của thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự bền vững của một số tiêu chí NTM và tiến độ triển khai Chương trình của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định; chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong nhân dân; một số địa phương đánh giá thực trạng tiêu chí chưa sát với thực tế nên ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện Chương trình, nhất là đối với xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao.

Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM của một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình; hoạt động của một số Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện hiệu quả chưa cao.

Công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng NTM ở một số nơi đôi lúc chưa thường xuyên, liên tục. Đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ phụ trách NTM ở xã có nhiều xáo trộn, thay đổi, chưa thật sự am hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên còn lúng túng trong việc tham mưu, triển khai thực hiện.

Kiến nghị đẩy nhanh hiệu quả, tiến độ thực hiện Chương trình

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua có trách nhiệm của Chính phủ trong việc chậm trình phương án phân bổ vốn cho các CTMTQG, trách nhiệm của một số Bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng; Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp có một số chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; một số địa phương chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện Chương trình.

Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Từ những vướng mắc nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới:

Thứ nhất, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền hoặc hướng dẫn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đó. Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

- Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia và phương án thành lập Văn phòng Điều phối NTM các cấp cho phù hợp; có chính sách hỗ trợ, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp.

- Nghiên cứu ban hành: (1) Bộ chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; (2) xây dựng phần mềm quản lý Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống giám sát, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Nghiên cứu quy định thống nhất chủ trương khen thưởng công trình phúc lợi cho cấp xã, cấp huyện tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; phổ biến các cách làm, các mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình, không đợi đến khi Quốc hội xem xét, có Nghị quyết giám sát mới thực hiện.

Thứ hai, đối với Bộ Tài chính: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu có hướng dẫn đơn giản về phương pháp đánh giá thu nhập bình quân đầu người, thống nhất cách thống kê các nguồn lực thực hiện Chương trình, đặc biệt là đối với nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư, nguồn huy động khác.

Thứ tư, đối với Bộ Y tế, phối hợp với Bộ Công an để tích hợp dữ liệu người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử với ứng dụng định danh điện tử nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79146