Đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch tại các địa phương
Một trong những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 là chú trọng việc nâng cấp máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch tại các địa phương; bảo đảm sự ổn định về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch…
Hơn 2,5 triệu sổ hộ tịch đã được số hóa
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 28/11/2022, đã có 49/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ban hành Quyết định tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến.
Các tỉnh, TP đã thực hiện kết nối giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, 63/63 tỉnh, TP đã tích hợp cung cấp thủ tục đăng ký khai sinh, 62/63 tỉnh, TP đã cung cấp thủ tục đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.
Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, TP triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, số sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với trên 29 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào CSDLHTĐT trên 22 triệu dữ liệu.
Riêng Hà Nội, từ ngày 10/9/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP. Đối với 3 thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, có thể khai thác được 07/20 trường dữ liệu (Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, Số CMND/CCCD, Nơi thường trú: Số nhà, xã phường thị trấn, quận huyện thị xã, tỉnh/TP). Đến ngày 07/11/2022 có 36.277 hồ sơ: Khai sinh: 20.096; Kết hôn: 10.720; Khai tử: 5.461.
Cổng Dịch vụ công quốc gia, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống Một cửa điện tử TP để thực hiện các thủ tục hộ tịch hàng ngày, theo Bộ Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND TP.
UBND các cấp đã trang bị máy tính, máy in, hệ thống internet nhằm phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; đồng thời giúp công chức tra cứu các văn bản hộ tịch cũng như nghiên cứu các thông tin phục vụ cho việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã trang bị máy tính, máy in, máy scan để phục vụ Nhân dân…
Về việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử: UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Trong đó có nội dung thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch. Phòng Tư pháp cấp huyện đã rà soát, tổng hợp số lượng sổ hộ tịch, số lượng thông tin hộ tịch cần số hóa.
Đến nay, có 05/30 quận, huyện đã số hóa sổ hộ tịch với tổng số: 1.823.384 trường hợp (Nam Từ Liêm: từ năm 1958 - 2019: 200.000 trường hợp; Hai Bà Trưng: từ năm 1956 - 2018: 501.363 trường hợp; Ba Đình: từ năm 1956 - 2019: 500.742 trường hợp; Hoàn Kiếm: từ năm 1956 - 2020: 402.518 trường hợp, Ứng Hòa: từ năm 1968 - 2021: 200.761 trường hợp).
Đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch tại các địa phương
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch của các địa phương chưa đồng bộ, vẫn còn 23 tỉnh mới ban hành Kế hoạch, chưa triển khai; trong số 40 tỉnh đã và đang triển khai thì cũng thực hiện không đồng bộ.
Bên cạnh đó, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại một số địa phương còn yếu và thiếu so với nhiệm vụ được giao, nhất là đòi hỏi về trình độ trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Vẫn còn tình trạng công chức làm công tác hộ tịch chưa bảo đảm trình độ chuyên môn luật, số khác do luân chuyển, bố trí nhân sự mới nên vẫn còn tỷ lệ không nhỏ công chức làm công tác hộ tịch chưa được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch…
Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh quán triệt, truyền thông sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06, quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong đăng ký hộ tịch, vai trò của dữ liệu hộ tịch trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến một cách thực chất, đúng theo nhu cầu của người dân; chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, rà soát, đối chiếu bảo đảm dữ liệu hộ tịch chính xác, đầy đủ và được cập nhật đồng bộ sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định;
Đặc biệt, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong đó chú trọng việc bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch tại các địa phương; bảo đảm sự ổn định về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực hộ tịch, trong đó có việc thực hiện Đề án 06, Bộ Tư pháp cho rằng, cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch, bảo đảm cơ sở dữ liệu hộ tịch là Cơ sở dữ liệu “lõi” của ngành, đáp ứng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, đồng thời, đáp ứng các nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc.