Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam

Lĩnh vực tài chính khí hậu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo đảm sự phù hợp giữa các cơ hội đầu tư lớn và mục tiêu về môi trường.

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi Tọa đàm “Xanh hóa ngành ngân hàng – Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”. Ảnh: Hằng Trần

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi Tọa đàm “Xanh hóa ngành ngân hàng – Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”. Ảnh: Hằng Trần

Ngày 21/9, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi về “Xanh hóa ngành ngân hàng – Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề về thay đổi chính sách và kinh tế vĩ mô đang được áp dụng và đóng góp của các cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân là cần thiết về hành trình Net Zero của Việt Nam. Việt Nam đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ dần điện than vào năm 2040 và đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải Metan so với mức năm 2020; các vấn đề ưu tiên phát triển bền vững của các Tổ chức Tài chính Ngân hàng để hỗ trợ hành trình Net Zero của Việt Nam.

Ông Allen Forlemu – Giám đốc Khối Định chế Tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương, IFC cho biết, lĩnh vực tài chính khí hậu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo đảm sự phù hợp giữa các cơ hội đầu tư lớn và mục tiêu về môi trường.

Để hỗ trợ hành trình khí hậu của các quốc gia, các ngân hàng và ngành tài chính cần đóng một vai trò quan trọng và cần tăng cường và đi tiên phong trong hỗ trợ mở rộng quy mô tài chính khí hậu thông qua hoạt động tài chính. Theo ông Allen Forlemu, việc thay đổi cách thức hoạt động của các ngân hàng và chuyển đổi theo hướng bền vững là hết sức thiết yếu. IFC hợp tác với các tổ chức tài chính, các tập đoàn và các đối tác phát triển trên khắp thế giới nhằm mang tới cơ hội tiếp cận các hoạt động tài chính thiết yếu cho hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, huy động vốn tư nhân và hỗ trợ thị trường vốn địa phương.

Ứng phó với biển đổi khí hậu là một trụ cột chiến lược của Nhóm Ngân hàng Thế giới. IFC hợp tác với các tổ chức tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, và các đối tác phát triển khác để tài trợ cho nhu cầu cấp thiết về đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu. Những khoản tài trợ cần thiết này hướng tới thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trở nên bền vững hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Xanh hóa ngành ngân hàng – Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”. Ảnh: Hằng Trần

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Xanh hóa ngành ngân hàng – Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam”. Ảnh: Hằng Trần

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm áp dụng toàn cầu về hỗ trợ chuyển đổi ngân hàng xanh, đặc biệt tập trung vào tầm quan trọng và cơ hội đối với Việt Nam. Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong xu thế của xã hội, đặc biệt với Việt Nam cần thực hiện những yêu cầu đặt ra trong vấn đề môi trường, khẩn trương đạt được chỉ tiêu trong môi trường. Bản thân các doanh nghiệp và tất cả các lĩnh vực đều phải coi đây là một cơ hội và yêu cầu bức thiết phải triển khai. Phía ngành ngân hàng cũng nhận thức đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai.

Vì vậy, về phía Chính phủ, các cơ quan Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành rất nhiều vấn đề để hoàn thiện môi trường mang tính chất pháp lý chung để bộ ngành, địa phương, ngành nghề triển khai nhằm tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Ví dụ Quốc hội ban hành Luật… Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch hành động, ban hành một số các văn bản để tạo khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tín dụng trong ngân hàng để hướng tới nền kinh tế xanh.

Việt Nam có lịch sử phát thải khí nhà kính (KNK) rất thấp, nhưng trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng phát thải nhanh nhất trên thế giới. Về giá trị tuyệt đối, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đạt 364 triệu tấn carbon dioxide (CO2) năm 2018, chiếm không quá 0,8% lượng phát thải toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong thập kỷ qua, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục trong trung hạn bất chấp khủng hoảng COVID-19.

Để đáp ứng mức tăng trưởng kinh tế đó, năng lượng sẽ tiếp tục được sử dụng ngày càng nhiều với hậu quả tiêu cực là tăng phát thải KNK. Khí hậu biến đổi ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam, và mức chi phí đang dần làm sự tăng trưởng bị suy yếu dần. Tính toán ban đầu từ Phân tích Môi trường Quốc gia (CEA) gần đây cho thấy, năm 2020, Việt Nam đã tổn thất 10 tỷ USD do biến đổi khí hậu, tương đương 3,2% GDP.

Nhằm hỗ trợ phát triển bền vững về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách, chiến lược và kế hoạch: chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam (VGGS), kế hoạch hành động liên quan, cũng như các NDC của quốc gia và Chiến lược thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (VSDGs) đang mở đường cho tăng trưởng xanh bền vững.

Những thay đổi kinh tế vĩ mô này đã có tác động đến nền kinh tế và hệ thống tài chính vốn chịu tác động vật lý đáng kể của biến đổi khí hậu, do kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và phụ thuộc vào các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như năng lượng, giao thông vận tải và nông nghiệp.

Mặc dù các cơ quan quản lý ngành tài chính đã có nhiều bước đi để ứng phó với những rủi ro này, vẫn còn thiếu các phương pháp đánh giá rủi ro khí hậu và ứng phó với rủi ro khí hậu chưa được lồng ghép trong hướng dẫn chi tiết cùng các công cụ và hoạt động giám sát thường xuyên đối với ngành tài chính.

Để thực hiện thành công các mục tiêu khí hậu mới, Việt Nam cần tập trung mở rộng cơ sở hạ tầng xanh, đặc biệt là năng lượng xanh, giao thông xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh và chuyển đổi từ những ngành công nghiệp nặng và “nâu” sang lộ trình phát thải carbon thấp và bền vững, do đó đối mặt với hiện trạng thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn.

Những giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chủ yếu nên xuất phát từ các ngân hàng và thị trường vốn. Các cơ quan quản lý ngành tài chính tăng cường nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh, kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững hậu COVID-19.

Chính phủ Việt Nam cũng đang trong quá trình giới thiệu hệ thống phân loại tài chính xanh, giúp thúc đẩy và định hướng việc mở rộng các khoản đầu tư bền vững./.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/day-nhanh-qua-trinh-chuyen-doi-sang-nen-kinh-te-carbon-tai-viet-nam/307179.html