Đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch

Với việc Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2022-2023, Hà Nội chính thức mở cửa các hoạt động du lịch, từng bước đón khách trong và ngoài nước.

Ban quản lý di tích Hương Sơn (Chùa Hương) tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trước thời điểm chính thức mở cửa đón khách.

Ban quản lý di tích Hương Sơn (Chùa Hương) tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trước thời điểm chính thức mở cửa đón khách.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đã sẵn sàng tung ra những sản phẩm mới, các điểm lưu trú, chuẩn bị kỹ các điều kiện để đón khách.

Dù số ca bệnh Covid-19 vẫn ở mức cao, nhưng tỷ lệ ca nặng, ca tử vong trên địa bàn Hà Nội giảm sâu; đồng thời, nhu cầu du lịch của người dân sau một thời gian dài bị dồn nén là rất cao. Đây là thời điểm quan trọng để Hà Nội mở cửa các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng, sớm khôi phục kinh tế du lịch, không bỏ lỡ thời cơ cạnh tranh trong thu hút khách trong và ngoài nước.

Mở cửa đón khách theo lộ trình

Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa theo tiềm năng, thế mạnh từng khu vực. Khu vực trung tâm ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực, mua sắm, du lịch MICE, du lịch đêm. Khu vực các quận mới, huyện ven đô phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, nông thôn. Khu vực ngoại thành phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng... Trong hai năm 2022-2023, thành phố đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có; phát triển phố đi bộ mới tại Thành cổ Sơn Tây, hồ Ngọc Khánh, hồ Thiền Quang... Đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng... Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm, xe đạp, đi bộ, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất, Chương Mỹ... Thành phố cũng tăng cường các sự kiện du lịch như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội quà tặng du lịch, Lễ hội Áo dài, Liên hoan Làng nghề và phố nghề, Liên hoan Ẩm thực và làng nghề...

Việc mở cửa đón khách du lịch được chia làm hai giai đoạn. Quý I và quý II/2022, thành phố lấy thị trường nội địa làm động lực chính để phục hồi; khai thác thị trường du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ. Giai đoạn đầu tập trung khai thác thị trường khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, sau đó mở rộng đối tượng khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm khác. Bắt đầu từ quý II/2022, thành phố khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các hoạt động phải bảo đảm tuyệt đối các quy định, điều kiện phòng, chống dịch và các tiêu chí an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố.

Tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp

Việc Hà Nội ban hành kế hoạch phục hồi du lịch, đón khách theo lộ trình là điều mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch mong đợi từ lâu. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, nhiều người dân ở Hà Nội đổ đi du lịch các tỉnh một phần vì Hà Nội chưa mở cửa nhiều dịch vụ liên quan đến du lịch. Phó Giám đốc Công ty Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết: “Chủ trương mở cửa để phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của thành phố là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng sản phẩm phù hợp, đặc trưng của Hà Nội cũng như xúc tiến việc đưa-đón khách an toàn”. Phó Giám đốc Công ty Vietravel Phạm Văn Bảy cũng cho biết, công ty đã sẵn sàng các gói sản phẩm tua Hà Nội từ một đến ba ngày cho du khách lưu trú. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng khôi phục các sản phẩm du lịch đã xây dựng nhưng chưa có điều kiện khai thác rộng rãi như tua khám phá kiến trúc Đông Dương của Hanoitourist, sản phẩm du lịch đêm ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, sản phẩm du lịch bằng xe đạp của một số doanh nghiệp...

Đối với đón khách quốc tế, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đều mở rộng thêm nhiều đường bay tới các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có nhiều quốc gia là thị trường lớn của Hà Nội, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, các nước châu Âu..., đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội thu hút khách từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sau một thời gian dài “ngủ đông”, các doanh nghiệp hiện gặp khá nhiều khó khăn. Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho biết:

“Nhân lực ngành du lịch đã bị hao tổn khá nhiều. Nhiều người đã chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác. Vì vậy, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ khách khi các điểm đến mở cửa”. Một số doanh nghiệp khác đề nghị Hà Nội nới lỏng hơn giờ mở cửa các dịch vụ liên quan đến du lịch, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố để tạo hành lang xanh cho du lịch... Các cơ quan cần đồng hành với doanh nghiệp du lịch, cùng tháo gỡ khó khăn để quá trình hồi phục du lịch diễn ra ổn định.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/day-nhanh-qua-trinh-phuc-hoi-du-lich-685653/