Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2025

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2025, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần phải đẩy nhanh, giải quyết các tồn đọng. Ông yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tăng tốc phê duyệt, triển khai đề án, đảm bảo công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2025. Ảnh: TL

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2025. Ảnh: TL

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, baochinhphu.vn đưa tin.

Đánh giá giai đoạn 2021-2024, Phó Thủ tướng cho hay công tác sắp xếp và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt được những tiến bộ nhất định, tuy nhiên tiến độ còn chậm. Chỉ có khoảng 17% doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại và vẫn còn 559 doanh nghiệp chưa được xem xét. Việc xác định giá trị vốn nhà nước, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất khi thoái vốn đang là một trong những khó khăn lớn, cần có những giải pháp pháp lý phù hợp.

Năm 2025 đánh dấu nhiều cột mốc lịch sử của cả nước. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nhà nước còn phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tạo đà cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cơ cấu các doanh nghiệp trong năm 2025 và các năm tiếp theo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ phê duyệt và thực hiện các đề án cơ cấu lại, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Mỗi quí hoặc 6 tháng, Ban Chỉ đạo họp để đánh giá tình hình hoạt động, công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Chính phủ, Thủ tướng.

Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty chủ động nghiên cứu xu hướng mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, và nỗ lực hoàn thành mục tiêu kinh doanh, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động nắm bắt tình hình, xử lý vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, phối hợp, kiến nghị với các Bộ để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng giải quyết tồn đọng, phát sinh.

Ngoài ra, các cơ quan cũng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án lớn, quan trọng đúng tiến độ.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo và cơ quan đại diện chủ sở hữu kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án cơ cấu lại của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhanh chóng gửi văn bản yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt đề án cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc theo quy định.

Bộ cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất định hướng, phương thức triển khai cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước, xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2026-2030, báo cáo Thủ tướng trong quí 2-2025.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.

Các cơ quan liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty đã nêu tại cuộc họp, trong phạm vi thẩm quyền của mình. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo cấp trên để có hướng giải quyết kịp thời.

Bình Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/day-nhanh-tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-trong-nam-2025/