Đề xuất giải pháp quản lý nhà nước khi phát triển trung tâm tài chính khu vực, quốc tế

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có đề xuất giải pháp quản lý nhà nước khi phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.(KTSG Online) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có đề xuất giải pháp quản lý nhà nước khi phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Theo kế hoạch, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được thành lập tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực sẽ được thành lập tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Vũ

Theo kế hoạch, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được thành lập tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực sẽ được thành lập tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Vũ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo và lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, ban ngành để hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, TTXVN đưa tin.

Dự thảo đề xuất quy định về số lượng, vị trí, chức năng nhiệm vụ của trung tâm tài chính. Các cơ chế, chính sách khuyến khích như chính sách tài chính, ngân hàng, ngoại hối, thuế, xuất nhập cảnh… Theo góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn bản khi được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp khác hoạt động tại trung tâm tài chính.

Là đại diện tiếng nói của số đông doanh nghiệp và sau khi tổng hợp ý kiến từ cộng đồng thành viên cùng các hiệp hội ngành nghề trực thuộc, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đối tượng được đăng ký thành viên trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm… Đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính trong khi các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính lớn như các tập đoàn, các công ty mẹ, công ty holding... lại chưa được đề cập tới. Điều này dẫn đến câu hỏi là các doanh nghiệp phi tài chính có được phép đăng ký thành viên của Trung tâm tài chính hay không.

Tham khảo kinh nghiệm một số trung tâm tài chính khác trên thế giới mà cũng có quy chế đăng ký thành viên, thì đối tượng được phép tham gia được chia thành hai nhóm rõ ràng, các doanh nghiệp tài chính và các doanh nghiệp phi tài chính. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét vấn đề này, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu thế chung trên toàn cầu.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận, cho phép doanh nghiệp đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần đặt ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường… Các doanh nghiệp fintech khi xin phép sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên.

Liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, dự thảo chỉ mới tập trung vào việc miễn giảm loại thuế này. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang cản trở dòng vốn đổ vào thị trường này. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về cơ chế thuế phù hợp với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại trung tâm tài chính.

Hoài Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-giai-phap-quan-ly-nha-nuoc-khi-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-quoc-te/