Sức xuân ở vùng ngã ba sông

Tại nơi hai dòng sông Đào và sông Đáy gặp nhau đã bồi tụ, ngưng đọng trên vùng đất phù sa màu mỡ ngã ba sông giữa các xã Yên Nhân (Ý Yên) và Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng), thủy sản dồi dào. Với truyền thống cần cù, chịu khó và năng động của người dân các xã nơi đây đã nỗ lực lao động, sản xuất, phát huy mọi lợi thế thiên nhiên ban tặng để dựng xây cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tuyến đường cao tốc nối trục kinh tế biển qua xã Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Tuyến đường cao tốc nối trục kinh tế biển qua xã Đồng Thịnh (Nghĩa Hưng) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Về xã Yên Nhân, trên các cánh đồng màu, cả vùng rau xanh mướt trải ngút tầm mắt; những tuyến đường nội đồng rộng rãi, mặt được đổ bê tông êm thuận, khung cảnh vùng quê trù phú. Đồng chí Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: “Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi sản xuất theo vùng; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng trồng trọt và chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp”. Vụ đông năm nay, người dân xã Yên Nhân đã chủ động đưa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, như: khoai tây, ngô và rau màu các loại... với diện tích gieo trồng 150ha; trong đó có 110ha khoai tây, 40ha lạc, ngô và rau màu các loại. Với truyền thống thâm canh vụ đông nhiều năm nay, người dân xã Yên Nhân đã gặt hái được nhiều “mùa vàng” với cây vụ đông. Tại cánh đồng xóm 10, bác Nguyễn Văn Hòa vừa tranh thủ cuốc xới đất, nhặt cỏ cho 3 sào khoai tây vừa trao đổi với chúng tôi: "Để làm vụ đông sớm cho kịp thời vụ, bà con nơi đây tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nhanh vụ lúa mùa. Lúa gặt đến đâu, làm đất và xuống giống vụ đông đến đấy. Nhờ đó, đến nay 3 sào khoai tây giống Marabel của gia đình tôi sinh trưởng tốt, dự kiến cho năng suất khá, củ to, đồng đều, chất lượng thơm ngon. Toàn bộ nguồn khoai tây giống đã được các thương lái bao tiêu thu mua ngay tại chân ruộng”. Càng đến gần Tết, nhu cầu tiêu thụ khoai tây càng tăng, giá bán năm nay cũng khá ổn định, từ 12-14 nghìn đồng/kg; mỗi sào khoai tây cho thu nhập 5-6 triệu đồng. Nhiều cửa hàng rau sạch, bếp ăn tập thể, các nhà hàng từ thành phố Nam Định, các huyện lân cận đã về ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm ngay khi bà con thu hoạch, thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường. Ngoài ra, giống lạc L29 gieo trồng trên đất Yên Nhân nhờ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác nên có phẩm chất đặc trưng, năng suất cao, chất lượng tốt được nhiều doanh nghiệp về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chị Mai Thị Nhàn ở xóm 1, xã Yên Nhân phấn khởi cho biết: “Trồng lạc khá nhàn, lợi nhuận cao hơn nhiều so với lúa. Mỗi sào, đầu tư tiền giống, công làm đất, lên luống, phân bón... chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nhưng năng suất bình quân (đã phơi khô) khoảng 1,7 tạ/sào, giá bán 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng thu lãi 1,5-2 triệu đồng/sào. Nhà nhiều có 5-6 sào, mỗi vụ lạc có thu nhập trên dưới chục triệu đồng là dễ”. Diện tích trồng lạc của xã Yên Nhân bình quân hàng năm hơn 200ha, năng suất khoảng 41,6 tạ/ha. Nét mới trong sản xuất vụ đông năm nay ở Yên Nhân là xã đã đưa vào trồng thí điểm 1,5 mẫu hành lá tại xóm 1 nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào các loại cây hàng hóa và tiếp tục được mở rộng diện tích ở những vụ sau. Thu nhập bình quân trên 1ha diện tích đất canh tác của Yên Nhân đạt hơn 100 triệu đồng/ha.

Đối với người dân xã Yên Nhân, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi cây cầu Đống Cao vượt sông Đào nối hai huyện Ý Yên - Nghĩa Hưng được thông xe. Những ngày cận Tết, chứng kiến các phương tiện giao thông nối đuôi nhau chạy bon bon trên cây cầu kiên cố bằng bê tông, con đường dẫn lên hai đầu cầu được thảm nhựa rộng rãi 7m, thông thoáng, ai cũng vui mừng, gương mặt rạng ngời niềm vui. Bà Nguyễn Thị Hào hồ hởi nói: “Thương lái từ bên huyện Nghĩa Hưng đến thu mua rau củ nông sản ở Yên Nhân và các xã lân cận sẽ thuận lợi hơn, việc vận chuyển rau củ cũng an toàn, đảm bảo chất lượng. Đi lại thuận tiện hơn, nông sản sẽ không bị ép giá nhiều, bà con chúng tôi lại được thêm tấm, thêm món!”. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2024 đạt 67 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1%. Sau khi về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022, hiện xã tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại. Một vùng quê ấm no, trù phú, hiện đại ngày càng hiện hữu ở vùng đất ngã ba sông.

Xuân này trên xã mới Đồng Thịnh thật đặc biệt. Xã vừa được sáp nhập từ 3 xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh của huyện Nghĩa Hưng theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024. Trong không khí xuân rộn ràng ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã càng thêm phấn khởi, tự hào về những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, là động lực bước vào năm mới với quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng chí Vũ Xuân Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm nay xã đón Xuân mới với tâm thế mới. Đó là niềm vui hân hoan của xã mới sáp nhập, cầu Đống Cao được thông xe, giao thương giữa 2 miền quê Ý Yên - Nghĩa Hưng được khai thông mạnh mẽ hơn. Hơn thế nữa, hàng loạt dự án mới đang được triển khai sẽ biến xã Đồng Thịnh trở thành cực tăng trưởng kinh tế - xã hội cửa ngõ phía Bắc của huyện”. Trong năm 2024, xã đã đầu tư 10 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học, THCS; trạm y tế; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tỉnh lộ 487 xã Đồng Thịnh, mở rộng lề đường trục thôn Thượng Kỳ, cải tạo nâng cấp chợ Hôm Nghĩa Đồng...

Bên cạnh đó, xã tiếp tục hoàn thiện các thủ tục xây dựng Khu công nghiệp Minh Châu (300ha), thu hút đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hoàn thiện khu trung tâm thương mại ở xã Nghĩa Minh cũ (0,7ha), khu dân cư tập trung mới của xã Đồng Thịnh (1,3ha). Trên địa bàn xã đã có nhiều doanh nghiệp thu hút hàng nghìn lao động ở các địa phương lân cận như: Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Linh Giang, Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Mừng Xuân, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong, Công ty Cổ phần May 2 (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định), Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây lắp Nghĩa Hưng… Sau khi sáp nhập, xã Đồng Thịnh đã thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận xã Đồng Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện xã có 9/26 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,84%. Đồng Thịnh đã sẵn sàng vươn mình trở thành một đô thị trẻ bên vùng ngã ba sông.

Nhịp sống mới đã hình thành trên vùng nông thôn ngã ba sông kết nối giữa 2 huyện Ý Yên - Nghĩa Hưng. Đó là kết quả của sự đồng thuận giữa “Ý Đảng, lòng dân” đã tô thắm cho bức tranh nông thôn mới những điểm nhấn và sắc hương rực rỡ đón chào Xuân mới Ất Tỵ đang rộn rã khắp muôn nơi.

Bài và ảnh: Đức Toàn,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/suc-xuan-o-vung-nga-ba-song-d3f167d/