Đẩy nhanh thực hiện các dự án về rác thải, cải thiện môi trường
Chiều 9-12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã đề cập các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư công chậm triển khai, trong đó tập trung vào nhóm dự án đầu tư về xử lý rác thải, vệ sinh môi trường.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự phiên chất vấn.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án
Các đại biểu Phạm Thị Hải Hoa (tổ huyện Mỹ Đức), Vũ Ngọc Anh (tổ quận Bắc Từ Liêm), Trần Khánh Hưng (tổ huyện Ba Vì) đã chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về việc các nhà đầu tư lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ, dẫn đến các dự án nhà máy xử lý rác thải rắn chậm tiến độ.
Đại biểu Vũ Ngọc Anh.
Các đại biểu nêu rõ, nhà máy rác tại thị xã Sơn Tây đã được UBND thành phố cho chủ trương đầu tư từ tháng 6-2020. Qua khảo sát thực tế, nhà đầu tư không có cơ sở vay vốn để thực hiện dự án. Cùng với đó, dự án nhà máy xử lý rác núi Thoong ở huyện Chương Mỹ có nhiều nội dung phù hợp với thực tế nhưng chưa phù hợp với quy hoạch xử lý rác thải rắn của thành phố được phê duyệt từ năm 2014. Đề nghị lãnh đạo các sở làm rõ cơ sở pháp lý việc xem xét các điều chỉnh của nhà đầu tư nêu trên. Dự kiến xử lý những vướng mắc này như thế nào?
Trả lời các câu hỏi trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, công nghệ xử lý chất thải rắn liên tục thay đổi, vòng đời rất ngắn. Trước năm 2010, công nghệ xử lý rác chủ yếu chôn lấp tự nhiên với rất nhiều tồn tại, sau đó chôn lấp có kiểm soát đã hạn chế được một phần nhược điểm.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó yêu cầu các dự án của Hà Nội phải sử dụng công nghệ tái chế, đốt và chôn phải thu hồi năng lượng, ưu việt hơn phương pháp cũ nhưng vẫn phải phân loại rác vô cơ, hữu cơ, sử dụng nhân công, rác thải gây ô nhiễm môi trường còn rất nhiều… Từ đó, năm 2016, UBND thành phố ban hành yêu cầu mới có các tiêu chí bắt buộc phải bảo đảm có tỷ lệ phát điện cao, tỷ lệ tro sau đốt thấp; yêu cầu các dự án phải có nước thải và mùi phải được xử lý với công suất cao, hiệu quả kinh tế cao…
“Các dự án xử lý chất thải rắn đều đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, theo 2 giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư”, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm.
Kiểm tra kỹ năng lực của các nhà đầu tư
Trả lời chất vấn về nhà máy điện rác Seraphin trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết nhà máy này có công suất 1.500 tấn/ ngày - đêm, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Sở đã cơ bản hoàn thành đàm phán với nhà đầu tư, tuy nhiên còn một vài khó khăn, vướng mắc như phương thức hợp đồng, thời hạn.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong.
“Sở Xây dựng đã chủ động chuẩn bị đầu tư như chuẩn bị mặt bằng, các thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, với cả tiến độ nhà đầu tư cam kết, dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý I-2022”, đồng chí Võ Nguyên Phong cho biết.
Về nhà máy xử lý rác núi Thoong, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, công nghệ tại thời điểm đó là phân loại, tách ủ nay đã lạc hậu, trong quá trình triển khai thực hiện, gặp phải sự chưa đồng thuận của người dân, chậm giải phóng mặt bằng. Hiện nay, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh chủ trương là phát điện sử dụng lò đốt của nước Đức, nâng công suất lên 2.000 tấn, phù hợp với định hướng của thành phố, diện tích giải phóng mặt bằng và vị trí của nhà máy xa khu dân cư, đã có đường đi vào khu xử lý.
Về tiến độ của nhà máy xử lý chất thải rắn để triển khai khu ở Đồng Ké ở huyện Chương Mỹ, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ các sở, ngành liên quan rà soát tổng công suất xử lý rác trên địa bàn, để đề xuất nâng công suất điều chỉnh quy hoạch. Sở cũng phối hợp địa phương thông tin để người dân hiểu, ủng hộ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ xây dựng.
Trả lời ý kiến của các đại biểu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm triển khai các dự án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố thời gian qua. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Đông, mỗi ngày thành phố có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển để chôn lấp. Thành phố hiện có khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).
Thời gian qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn việc thi công, nhập các thiết bị để triển khai dự án. Trong đó, dự án khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã cơ bản hoàn thành, với việc tiếp nhận toàn bộ rác thải của huyện Mê Linh và dự kiến quý I-2022 sẽ thu gom khoảng 500 tấn rác tươi/ngày để xử lý. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án xử lý rác thải để giảm tải cho hai khu xử lý chất thải trên. Đồng chí Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kiểm tra kỹ năng lực của các nhà đầu tư, nếu không bảo đảm yêu cầu thì phải thu hồi giấy phép.
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng.
Liên quan đến dự án tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho biết, với dự án xử lý chất thải rắn ở núi Thoong, huyện đã hoàn thành các công tác giải phóng mặt bằng. Huyện kiến nghị thành phố lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu hiện nay, tránh công nghệ cũ lạc hậu dẫn đến người dân đồng thuận không cao.
“Với dự án ở Đồng Ké, thực hiện chỉ đạo của trung ương và thành phố, chúng tôi đang cùng cơ quan chức năng xây dựng tuyến đường vào khu xử lý này, nhưng trong quá trình triển khai xây dựng gặp phản ứng của người dân, nên đã tập trung tuyên truyền tạo đồng thuận”, đồng chí Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh giải trình thêm, dự án có từ năm 2015, UBND huyện đã phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2016-2017.
Tuy nhiên trong quá trình giải phóng mặt bằng, huyện Phú Xuyên đã có báo cáo thành phố cho điều chỉnh quy hoạch lên hơn 20ha và được thành phố chấp thuận. Từ 2017 đến nay, dự án tạm dừng hoạt động để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư và thực hiện lại các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhận định, đến thời điểm này, trách nhiệm liên quan đến hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện giải phóng mặt bằng vẫn thuộc về chủ đầu tư. Hiện nay, huyện Phú Xuyên chưa nhận được bất cứ hồ sơ pháp lý liên quan đến điều chỉnh để triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp nhà đầu tư không phối hợp hoặc làm không tốt thì huyện đề xuất thu hồi dự án.
Nhiều dự án lớn chậm tiến độ
Các đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ quận Long Biên), Hoàng Thị Tú Anh (tổ huyện Phúc Thọ), Phạm Thị Thanh Hương (tổ huyện Ứng Hòa), Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ quận Đống Đa) chất vấn về dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì từ năm 2011 đến nay chưa hoàn thành; dự án Khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu thực hiện trong thời gian dài và gặp nhiều khó khăn vướng mắc; dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội đến nay giải ngân chưa được 1%/năm; dự án Tổ hợp công viên vui chơi giải trí tại 151-153 Yên Phụ sau hơn 2 năm vẫn chưa được triển khai. Các đại biểu đề nghị các sở, ngành liên quan nêu rõ nguyên nhân và bao giờ dự án được triển khai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Trước câu hỏi chất vấn về dự án sông Tích, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, đây là dự án được thành phố xác định là dự án trọng điểm, triển khai lấy nước từ sông Đà tiếp nước cho hệ thống sông Tích để phát triển nông nghiệp và bảo đảm vệ sinh môi trường. Song đến nay, dự án đã triển khai hơn 11 năm vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân trước hết do vướng giải phóng mặt bằng ở huyện Ba Vì. Thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ điều chỉnh dự án, cho phép thực hiện theo 2 giai đoạn.
Do điều kiện về thời gian, một số vấn đề đại biểu hỏi sẽ được các cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản.
Dự án không còn khả năng thực hiện sẽ kiên quyết thu hồi
Phát biểu kết luận phiên chất vấn buổi chiều, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, phiên chất vấn thực sự sôi nổi, dù có 14 lượt đại biểu phát biểu, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu muốn chất vấn thêm. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đi thẳng vào vấn đề với mong muốn có giải pháp hoàn thành các dự án thời gian tới.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì phiên chất vấn.
Để đáp ứng nguyện vọng cử tri và nhân dân, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo hoạt động xúc tiến đầu tư thời gian tới cần tiếp tục rà soát kết quả thực hiện các chương trình dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển từ năm 2016 đến nay, kể cả cam kết của nhà đầu tư, đôn đốc thực hiện tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, sớm triển khai các dự án bảo đảm đúng quy định và hiệu quả.
Trong đó, cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm với tinh thần quyết tâm cao nhất, tháo gỡ khó khăn, giao ban, phân công rõ ràng, cải cách hành chính một các thực chất, hiệu quả, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ và có lộ trình khắc phục hạn chế đoàn giám sát đã nêu.
“Với những dự án không còn khả năng thực hiện và dự án đã được gia hạn mà chậm hoàn thành thì kiên quyết thu hồi, có phương án sớm đưa đất vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.