Huyện Gia Lâm cần phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề

Sáng 8-11, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Gia Lâm về kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cùng tham gia đoàn.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Tuấn Việt

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Tuấn Việt

Báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, giai đoạn 2021-2025, huyện dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm được thành phố giao và dự kiến hoàn thành cả nhiệm kỳ so với kế hoạch HĐND huyện đã quyết nghị.

Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch trong điều kiện vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19: Kinh tế tăng trưởng khá, ước đạt 11,63% (kế hoạch là 11% đến 12%); cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng, dự kiến đến hết năm 2025, ngành dịch vụ chiếm 52% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người dự kiến hết năm 2025 đạt 85,3 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 80 triệu đồng/người/năm); thu ngân sách hằng năm đạt và vượt dự toán giao.

Thành viên Đoàn giám sát trao đổi, quan tâm nhiều đến lĩnh vực đầu tư phát triển cho huyện. Ảnh: Tuấn Việt

Thành viên Đoàn giám sát trao đổi, quan tâm nhiều đến lĩnh vực đầu tư phát triển cho huyện. Ảnh: Tuấn Việt

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 bình quân dự kiến đạt 5.117 tỷ đồng (vượt 59,9% kế hoạch, bằng 1,8 lần năm đầu nhiệm kỳ). Huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách từ năm 2022, giữ vững cân đối thu - chi ngân sách. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả khá toàn diện, đáp ứng tiến độ, các chỉ tiêu yêu cầu, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt tiến độ.

Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến hết năm 2023 đã có 20/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra; hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định huyện nông thôn mới nâng cao.

Thành viên đoàn giám sát trao đổi vấn đề quan tâm. Ảnh: Tuấn Việt

Thành viên đoàn giám sát trao đổi vấn đề quan tâm. Ảnh: Tuấn Việt

Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Hết năm 2023, toàn huyện có 74/79 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 93,7% (xếp thứ 2 toàn thành phố).

Công tác cải cách hành chính được triển khai có hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính tăng dần hằng năm. Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của huyện xếp thứ 11/30 quận, huyện, thị xã (năm 2022 đứng 14/30); chỉ số SIPAS năm 2023 đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã, tăng 7 bậc so với năm 2022.

Đáng chú ý, huyện đã hoàn thành Đề án thành lập quận vào năm 2025 và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành quận, phường. Đến nay, huyện đánh giá đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận; 16/16 xã (theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính) đạt tiêu chuẩn thành phường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Tuấn Việt

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Tuấn Việt

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị, huyện làm rõ hơn về chất lượng thực tế của các chỉ tiêu hoàn thành, như: Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung theo quy định (huyện đánh giá đạt 100%); tỷ lệ công trình xây dựng có phép (các năm thực hiện đạt 99%); kiểm soát các công trình xây dựng trên địa bàn; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phần thảo luận. Ảnh: Tuấn Việt

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phần thảo luận. Ảnh: Tuấn Việt

Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thành viên đoàn giám sát nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, UBND thành phố tiếp thu để chỉ đạo điều hành chung và tháo gỡ, xử lý những kiến nghị của huyện.

Nhấn mạnh mục tiêu tổng quát phát triển thành phố nhanh, bền vững theo hướng thông minh, hiện đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, huyện Gia Lâm làm rõ kết quả thực hiện chuyển đổi số; thu hút nguồn lực; phát triển quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hướng tới phát triển lên quận...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Việt

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Việt

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, huyện Gia Lâm đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, song các chỉ tiêu đều đạt, tăng trưởng kinh tế cao; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị đạt nhiều kết quả; xây dựng nông thôn mới được quan tâm; hoàn thành đề án xây dựng huyện lên quận; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt cao...

Thống nhất với đánh giá thẳng thắn của huyện về những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, huyện Gia Lâm rà soát lại các chỉ tiêu theo nghị quyết của huyện và thành phố; xây dựng giải pháp với những chỉ tiêu khó khăn, điểm nghẽn cả trong ngắn hạn, dài hạn.

Nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện Gia Lâm rà soát, đánh giá hiệu quả thực chất chỉ tiêu về xử lý môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề; thúc đẩy tăng tỷ lệ cây xanh, giao thông tĩnh; làm rõ các dự án chậm triển khai.

Ghi nhận kiến nghị của huyện trong quy hoạch làng nghề Bát Tràng; chính sách hỗ trợ công chức xã..., đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ, cùng với huyện tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoàn thành chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Tuấn Việt

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huyen-gia-lam-can-phat-trien-du-lich-xanh-gan-voi-lang-nghe-683891.html