Đẩy nhanh thực thi các quy định mới về bất động sản: 'Dục tốc liệu có đạt'?

Trái ngược với nhiều dự báo trước đó, thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2024 vẫn trong trạng thái trầm lắng. Nguồn cung mới tiếp tục suy giảm, khối lượng giao dịch chưa được cải thiện nhiều.

Thị trường vẫn trầm lắng

Cuối năm 2023, các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản và nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo, năm 2024 sẽ là thời kỳ khởi sắc của bất động sản nhờ vào nhiều yếu tố, như lãi suất giảm, pháp lý thông thoáng, đặc biệt là những chính sách kích cầu chưa từng có tiền lệ của các “ông lớn” trong ngành bất động sản.

 Thị trường bất động sản vẫn duy trì trạng thái trầm lắng. (Ảnh: ST)

Thị trường bất động sản vẫn duy trì trạng thái trầm lắng. (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, cho tới nay, sau 4 tháng đầu năm 2024, thị trường vẫn “chìm nghỉm”. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I/2024, toàn thị trường ghi nhận có 10 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, với hơn 4.700 căn hộ mới được đưa ra thị trường.

Con số này chỉ bằng 35% so với quý IV/2024, thậm chí chỉ bằng 71,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nguồn cung căn hộ mới tiếp tục trên đà suy giảm.

Tương tự, tổng khối lượng giao dịch chung cư trong quý I/2024 chỉ bằng 81,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng hiếm hoi của thị trường là khối lượng giao dịch đất nền có xu hướng tăng, khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tng Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là “vướng mắc pháp lý”, chiếm đến 70% khó khăn của doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Điều này gián tiếp dẫn đến thị trường bất động sản trầm lắng, người mua nhà mất niềm tin và giao dịch bất động sản hạ nhiệt thời gian qua.

"Vướng mắc pháp lý cũng đang là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bất động sản phải ngừng triển khai xây dựng, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà và uy tín của chủ đầu tư cũng chịu ảnh hưởng", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản nhận định: Mặc dù cơ quan chức năng, từ Trung ương tới các địa phương đã nỗ lực tìm ra giải pháp “giải cứu” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn lớn về pháp lý, các thủ tục hành chính nên chưa thực sự bứt phá.

“Các điểm nghẽn này về cơ bản đã được tháo gỡ, nhờ vào các Bộ luật mới được ban hành vào cuối năm 2023, như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, mới đây nhất là Luật Đất đai. Tuy nhiên, các quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2025, nên ở thời điểm này các nút thắt vẫn còn “tắc”. Đó là chưa kể, thị trường phải chờ ít nhất nửa năm mới “ngấm” được chính sách”, ông Tuấn nói.

Đẩy nhanh tiến độ thực thi các quy định mới

Để đẩy nhanh tốc độ thực thi các quy định mới, Chính phủ đã đề xuất triển khai thi hành các Bộ luật mới. Đối với Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đề xuất Quốc hội dời ngày triển khai thi hành Luật Đất đai mới từ ngày 1/1/2024 lên ngày 1/7/2024.

Các quy định mới trong Luật Đất đai được đề xuất triển khai sớm đó là tiền sử dụng đất sẽ theo định giá thị trường, quy định về đền bù và giải phóng mặt bằng được thiết lập, và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua tài sản tại Việt Nam với quyền sở hữu như người trong nước.

Mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc đưa Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, cùng thời điểm với Luật Đất đai cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

 Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc đưa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. (Ảnh: PO)

Chính phủ đề xuất với Quốc hội về việc đưa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng. (Ảnh: PO)

Bộ Xây dựng cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở là 2 đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội, đặc biệt là trong thực thi chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản, có tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh sống của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan, trong đó có Luật Đất đai.

Thông qua các cơ chế, chính sách về nhà ở và kinh doanh bất động sản được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả để vận hành, hoạt động; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Bộ Xây dựng, việc có hiệu lực sớm của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản. Đồng thời đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Điều này cũng góp phần kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội trên thực cũng như đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội gắn với việc thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

“Hơn nữa, việc 2 luật này có hiệu lực sớm 6 tháng cũng nhằm bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 hiện nay cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ 1/7/2024”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/day-nhanh-thuc-thi-cac-quy-dinh-moi-ve-bat-dong-san-duc-toc-lieu-co-dat-post295208.html