Đẩy nhanh thực thi thu gom, tái chế bắt buộc: Không đổi môi trường lấy kinh tế
Theo quan điểm của nhiều tổ chức, trong bối cảnh Covid-19, công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất càng cần được đẩy nhanh thực thi để bảo vệ chuỗi cung ứng tái chế, đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm thiểu rác thải.
Công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhằm giảm thiểu chất thải, tăng cường tái chế, xử lý chất thải và hướng tới thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Với kỳ vọng sẽ trở thành công cụ quan trọng và hiệu quả cho công tác quản lý chất thải rắn, dự thảo nghị định về EPR nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Mới đây, Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã kiến nghị một số vấn đề xoay quanh thời hạn và mức độ thực thi công cụ EPR.
Về thời hạn thực thi, 2 tổ chức đề nghị giữ nguyên như dự thảo nghị định là áp dụng theo lộ trình kể từ năm 2023 – 2025, không lùi thời hạn như đề xuất, tham vấn của một số bên liên quan.
Theo VZWA và GreenHub, quy định về EPR đã được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, sau đó tiếp tục được đưa vào nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên vẫn chưa được thực thi. Thực tế Việt Nam đã trì hoãn việc thực thi công cụ EPR 15 năm, trong khi lượng rác thải phát sinh vẫn không ngừng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Tốc độ phát sinh rác thải vượt quá tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng cũng như các công cụ cần thiết cho thu gom, tái chế và xử lý rác thải. Những sự việc như ùn ứ tại bãi rác Nam Sơn chính là minh chứng rõ nét cho tác động đa chiều của vấn nạn này.
Cùng với đó, trong suốt nhiều năm qua, các hoạt động xử lý, thu gom, tái chế tự phát và phi chính thức của các cơ sở tư nhân và làng nghề đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Hoạt động tái chế thủ công, tự phát, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đồng thời tạo ra luồng sản phẩm tái chế kém chất lượng, thậm chí nguy hại khi sử dụng.
Như vậy, việc thực thi EPR là cực kỳ cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm chất thải rắn ở Việt Nam.“Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương”, 2 tổ chức khẳng định.
Trước đó, một số tổ chức như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã đưa ra ý kiến cần lùi thời điểm thực thi EPR, với lý do hạn chế gánh nặng lên doanh nghiệp khi đang phải chịu nhiều khó khăn dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Trang, Phó giám đốc GreenHub nhận định, trong bối cảnh Covid-19, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn duy trì được mức tăng trưởng khả quan, thậm chí một số doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ đại dịch, điển hình là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như mỳ, phở ăn liền.
Trong khi đó, ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam đang ở mức báo động, đòi hỏi cần phải có biện pháp kịp thời. “Không thể hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng khi ô nhiễm đã đạt đến mức báo động”, nhóm tổ chức nhấn mạnh.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đe dọa đến ngành công nghiệp tái chế. Do đó, EPR càng cần phải sớm được thực thi để tạo ra “nguồn tài chính bổ sung bền vững” cho doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải, qua đó bảo vệ chuỗi giá trị tái chế.
Đối với mức độ thực thi EPR, nhóm tổ chức đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc cũng như mức đóng góp tài chính. Cụ thể, hiện nay, dự thảo nghị định đang quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc “tăng không quá 5% cho mỗi 3 năm”, được nhận xét là không đủ để thực hiện những mục tiêu tái chế, giảm thiểu rác thải đã được Chính phủ phê duyệt.
Mức đóng góp được đưa ra trong dự thảo nghị định cũng được nhận xét là chưa rõ ràng về sự khác biệt giữa mức đóng góp cho việc xử lý và đóng góp cho việc tái chế. Mức đóng góp xử lý cho một số loại sản phẩm/bao bì đã được đưa ra trong dự thảo nhưng mức đóng góp cho tái chế sẽ do Hội đồng EPR quyết định.
2 tổ chức đặt câu hỏi: "Liệu sự khác biệt này có đủ để ra động lực cho doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm cũng như phương thức kinh doanh theo hướng thân thiện hơn với môi trường, theo đúng tinh thần của EPR”?
“Mục tiêu của EPR là tạo ra khuyến khích tài chính đủ lớn để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, hướng tới giảm thiểu chất thải hoặc chuyển từ bao bì khó tái chế sang bao bì có giá trị tái chế cao”, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên của VZWA lý giải.
Một số kiến nghị khác được VZWA và GreenHub đưa ra là đảm bảo số tiền đóng góp từ công cụ EPR phải được chi trực tiếp cho hoạt động hỗ trợ thu gom, tái chế, xử lý rác thải và quy định rõ vai trò của các bên liên quan trong cơ chế thực thi EPR.
Khi thực thi EPR, các doanh nghiệp sẽ chuyển khoản đóng góp tài chính cho EPR vào giá thành sản phẩm và như vậy về bản chất thì người tiêu dùng chính là người phải chi trả. Nghĩa là người dân cũng là đối tượng có quyền và lợi ích liên quan, do đó họ có quyền được giám sát việc thực thi công cụ chính sách này.
VZWA và GreenHub đề nghị có sự tham gia của hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Hội đồng EPR quốc gia để giám sát doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền thu từ người tiêu dùng cho công tác thực thi EPR.
Hiệntại, VZWA và GreenHub đã soạn thư kiến nghị và gửi tới nhiều tổ chức, cá nhân,doanh nghiệp để cùng ký tên trước khi gửi Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyềnxem xét