Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ trẻ khi đến trường
Hàng triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi đã chính thức bước vào năm học mới, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tỷ lệ tiêm cho trẻ rất thấp.
5 tỉnh, thành tỷ lệ tiêm rất thấp, dưới mức bình quân chung của cả nước
Theo Bộ Y tế, hàng triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi đã đến trường, học trực tiếp sau lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Tuy nhiên đến thời điểm này bên cạnh các tỉnh, thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này cao, vẫn còn 5 tỉnh, thành tiêm rất thấp, chậm cả 2 mũi, dưới mức bình quân chung của cả nước.
Tính đến chiều ngày 5/9, đối với nhóm từ 12-17 tuổi, đã có 4.629.693 trẻ tiêm mũi 3: (đạt tỷ lệ 53,7%) tăng 0,2% so với ngày trước đó. 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (30,7%); Phú Yên (17,4%); Bà Rịa-Vũng Tàu (16%); Đồng Nai (24,5%); Bình Dương (22,7%).
Đối với nhóm từ 5-11 tuổi, đến nay sau 4 tháng 22 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.743.585.
Trong đó, mũi 1 là 9.503.613 trẻ (đạt tỷ lệ 85,4%); tăng 0,3% so với ngày trước đó. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp gồm Đà Nẵng (60,9%); Quảng Nam (70,4%); Thành phố Hồ Chí Minh (56,8%); Bà Rịa- Vũng Tàu (67,5%); Bình Dương (60,6%).
Mũi 2 là 6.239.972 trẻ (đạt tỷ lệ 56%); tăng 0,1% so với ngày trước đó. 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp dưới 31%: Đà Nẵng (21,7%); Quảng Nam (23,1%); Đắk Lắk (28,8%), Thành phố Hồ Chí Minh (30,7%); Bình Dương (27,2%).
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá: thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo: khi học sinh bắt đầu bước vào năm học mới cũng là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch đe dọa sức khỏe của trẻ; đặc biệt trước bối cảnh dịch COVID-19 đang có nguy cơ gia tăng trở lại.
Do đó cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ngành Y tế, chính quyền địa phương cấp huyện, xã tiếp tục rà soát số liệu cụ thể liên quan, nắm chắc từng đối tượng, tổ chức tiêm hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao nhất của nhà trường và các bậc phụ huynh.
Nhiều địa phương đẩy mạnh tiêm cho trẻ khi năm học mới bắt đầu
Theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, địa phương tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, đảm bảo cho năm học mới an toàn.
Tính đến ngày 4/9, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm được hơn 4,1 triệu mũi, trong đó, gần 3,5 triệu mũi cho người trên 18 tuổi; hơn 355.000 mũi cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi; gần 290.000 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tỷ lệ tiêm tương đối cao và đều ở các nhóm tuổi.
Hiện, tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 97-99,8%; tiêm mũi 1, mũi 2 ở người dưới 12 đến dưới 18 tuổi đạt trên 99%, mũi 3 đạt trên 96%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt 99%, mũi 2 là 96,78%.
Còn theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1 đến 4/9, Sở Y tế đã bố trí 242 điểm tiêm tại tất cả địa phương trên địa bàn. Kết quả, đã có 15.525 trường hợp được tiêm vaccine; trong đó có 5.394 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, 1.774 trường hợp từ 12 đến dưới 18 tuổi và 8.357 người từ 18 tuổi trở lên.
Theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi đến hết ngày 30/9/2022.
Sở Y tế yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành có liên quan, cùng Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường truyền thông, vận động phụ huynh học sinh đưa con, em đến các điểm tiêm vaccine để được tiêm đủ mũi tiêm theo quy định; kêu gọi các phụ huynh không để con, em mình bị gián đoạn việc học tập do mắc COVID-19 vì chưa được tiêm vaccine; không nghe những lời đồn đại thiếu cơ sở khoa học mà không đồng thuận cho con em được tiêm; không bỏ lỡ cơ hội để con, em được bảo vệ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Còn tại Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tăng cường phối hợp với ngành y tế và các địa phương phương đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc-xin phòng COVID-19, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh. Trong đó, xác định xuyên suốt việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Maharajan Muthu, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở trẻ em từ 5 đến 12 tuổi vẫn còn khá thấp. Bên cạnh đó có nhiều thông tin sai lệch về vaccine đã gây lo ngại, khiến việc tiêm vaccine cho trẻ bị trì hoãn.
Ông Maharajan Muthu khẳng định tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Vì vaccine giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Vaccine phòng COVID-19 đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em.