Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu thi công các công trình trọng điểm quốc gia

Chiều 3-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với đại diện gần 30 doanh nghiệp (DN), nhà thầu, hiệp hội tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Nhiều bộ, ngành còn cứng nhắc, thiếu phối hợp

Thủ tướng cho biết về hàng không, dự kiến sân bay Long Thành hoàn thành trong năm 2025, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dịp 30-4-2025, nhà ga T2 Nội Bài cũng sẽ về đích đúng tiến độ.

Về đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành hơn 2.000 km, đang thi công 1.700 km và thời gian tới sẽ khởi công thêm 1.400 km. Về đường sắt, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc. Các dự án cảng biển lớn tại Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TP HCM) đang được thúc đẩy...

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, các DN xây dựng đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội, DN xây dựng cho biết mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, sát sao tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm song vẫn tồn tại một số khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; việc cung cấp mỏ vật liệu xây dựng; hệ thống định mức xây dựng; thanh - quyết toán công trình...

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng hệ thống định mức xây dựng hiện hành có một số hạn chế như: thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng...

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các tỉnh để tổng hợp báo cáo và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tăng tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng tương tự các dự án cao tốc Bắc - Nam để có cơ sở để ngân hàng tài trợ vốn dự án.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc DN Xây dựng Xuân Trường, phản ánh do thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành và sự cứng nhắc trong các quy định nên đề xuất của DN về việc cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm và giảm thiểu tác động môi trường đã không được chấp nhận.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn; có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các DN xây dựng; tạo điều kiện để các DN trong nước liên kết với DN quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực... để DN trong nước không ngừng lớn mạnh.

Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM đến nay cơ bản bảo đảm tiến độ theo kế hoạch năm 2024Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM đến nay cơ bản bảo đảm tiến độ theo kế hoạch năm 2024Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Luôn lắng nghe, thấu hiểu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị để thống nhất chỉ đạo, thực hiện.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Trong đó, về nhận thức, phải xác định rõ đột phá về hạ tầng chiến lược rất quan trọng, giúp góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng ra không gian phát triển mới. "Hiện nay chúng ta đã làm tốt rồi thì sắp tới phải làm tốt hơn" - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh huy động nguồn lực và đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần "hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân". Bên cạnh đó, tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, quản trị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, vận dụng sáng tạo hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển giao công nghệ tiên tiến. "Việc này không chỉ nhà nước mà DN cũng phải tập trung làm" - Thủ tướng chỉ rõ.

Xác định hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, đơn giá.

Thủ tướng cũng đề nghị các DN phát huy tinh thần tự lực tự cường, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. "Các bộ, ngành, địa phương luôn lắng nghe, thấu hiểu, động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhân lực, nguồn lực để thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững" - Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phân cấp, phân quyền; tăng cường giám sát kiểm tra; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, DN.

Về giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các DN, không để các nhà thầu thi công "cô đơn trên công trường"; tiếp thu ý kiến của các DN, thực hiện phân công công việc trên tinh thần: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Trong đó, Bộ Xây dựng phải làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức phù hợp, kịp thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, DN; chủ động, hướng dẫn khi các DN gặp khó khăn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phổ biến, cập nhật các quy định luật pháp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến DN, xử lý kịp thời các vướng mắc; phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề liên quan mỏ vật liệu và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng.

Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách về thuế, phí, lệ phí, giá cả, thanh - quyết toán công trình bảo đảm thuận lợi, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất các chính sách về lãi suất, cung cấp tín dụng, trong đó nghiên cứu có gói tín dụng cho phát triển hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các DN xây dựng, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát phát huy tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; hoạt động đúng pháp luật với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió". Thủ tướng yêu cầu phải năng động, sáng tạo, đổi mới trong quá trình làm để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM gặp khó khăn về nguồn cát

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư dự án Vành đai 3 - TP HCM, cho biết đến nay, tiến độ toàn dự án cơ bản bảo đảm theo kế hoạch năm 2024. Hiện khó khăn lớn nhất là tìm kiếm nguồn cát đắp nền cho dự án với khoảng 9,2 triệu m3, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m3. Hiện số cát huy động đạt khoảng 1 triệu m3.

Sau khi tổ công tác vật liệu TP HCM cùng chủ đầu tư làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre hoàn thiện các thủ tục cấp phép các mỏ phục vụ dự án thì đến nay, có 1/16 mỏ được cấp phép, còn lại hoàn thành thủ tục và cấp cát cho dự án trong năm 2024.

Để chủ động, một số nhà thầu tìm kiếm các nguồn cát đắp nền khác thay thế như cát từ Campuchia nhằm bảo đảm tiến độ dự án.

Ngoài Vành đai 3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nhằm kết nối ga T3 Tân Sơn Nhất, phá thế độc đạo của lối ra vào sân bay duy nhất trên đường Trường Sơn cũng đang gặp khó do vướng mặt bằng.

Theo chủ đầu tư, đến nay tiến độ chung của toàn dự án đạt gần 80%. Tuy nhiên, hiện có khó khăn lớn là đoạn cuối tuyến phía đường Trường Chinh bị vướng mặt bằng một số hộ dân và tường rào của Công ty Dệt May 7, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Do vậy, TP HCM đang kiến nghị Bộ Quốc phòng sớm giải quyết để bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm nay.

T.Hồng

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-trong-diem-196241003213748607.htm