Đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai
Các ngành có liên quan và các huyện miền núi của tỉnh đang tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, nhiều dự án ở các địa phương miền núi chậm tiến độ, khó bàn giao mặt bằng để các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa bão.
Tại xã Trung Lý (Mường Lát), năm 2022 có 2 dự án TĐC tập trung cho các hộ dân bản Ma Hác và bản Tung được phê duyệt chủ trương đầu tư. Riêng dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân bản Ma Hác có diện tích 4,5ha, ổn định cho 39 hộ dân với tổng mức đầu tư 11,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết 2024. Năm 2023, dự án đã thực hiện thẩm tra, có ý kiến thẩm tra của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện dự án đang chậm tiến độ do tổng mức đầu tư không đảm bảo để thực hiện và không đảm bảo quy mô theo chủ trương đầu tư. Dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân bản Tung, trên diện tích 6ha, ổn định cho 63 hộ dân với tổng mức đầu tư 18,9 tỷ đồng cũng đang chậm tiến độ thực hiện. Nguyên nhân được xác định là do địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đá rất lớn, tổng mức đầu tư không đủ thực hiện mình hạng mục san nền. Để đảm bảo thực hiện cơ bản quy mô đầu tư đã được phê duyệt, tổng mức đầu tư cần tăng lên 43 tỷ đồng (tương đương 700 triệu đồng/hộ).
Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết: "Các dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn xã chủ yếu là các hộ đồng bào Mông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hiện đang vào mùa mưa lũ, nhưng các khu TĐC cho các hộ dân vẫn chưa được thực hiện. Người dân vẫn phải sống trong lo sợ sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lũ xảy ra. Địa phương mong các cấp, ngành sớm có biện pháp đẩy nhanh tiến độ, triển khai thực hiện các khu TĐC đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để người dân sớm được bố trí nơi ở ổn định, yên tâm phát triển sản xuất từng bước xóa đói, giảm nghèo".
Trong giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn huyện Mường Lát có 7 dự án TĐC liền kề và TĐC tập trung cho 286 hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các xã Mường Lý, Mường Chanh, Trung Lý, Tam Chung... với tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, các khu TĐC trên địa bàn huyện Mường Lát đang chậm tiến độ. Nguyên nhân được các ngành chức năng xác định là địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đá rất lớn, tổng mức đầu tư không đủ thực hiện các hạng mục của dự án. Việc huy động các nguồn lực thực hiện các hạng mục của các dự án gặp nhiều khó khăn...
Hiện trên địa bàn các huyện miền núi có 17 dự án TĐC liền kề và TĐC tập trung ổn định đời sống cho 556 hộ đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, huyện Mường Lát 7 dự án/286 hộ; huyện Quan Sơn 2 dự án/91 hộ; huyện Quan Hóa 1 dự án/10 hộ; huyện Bá Thước 3 dự án/101 hộ; huyện Lang Chánh 1 dự án/28 hộ; huyện Thạch Thành 1 dự án/16 hộ; huyện Thường Xuân 2 dự án/24 hộ. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã hơn 1 năm triển khai thực hiện nhưng mới có 3 dự án TĐC liền kề đảm bảo tiến độ, đang triển khai thi công xây dựng, gồm: Khu TĐC thôn Pốn Thành Công, xã Lũng Cao (Bá Thước); Khu TĐC thôn Tượng Liên, xã Thạch Tượng (Thạch Thành); Khu TĐC thôn Chiềng, xã Bát Mọt (Thường Xuân). Còn lại 14 dự án TĐC chưa đảm bảo tiến độ, đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư, như: Lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, khảo sát, lập dự án/báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu... Một số dự án đã trình Sở Xây dựng thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa đủ điều kiện phê duyệt vì còn gặp vướng mắc. Đơn cử như, để đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình theo chủ trương được duyệt thì vượt tổng mức đầu tư, ngược lại nếu đầu tư theo tổng mức được duyệt thì không đảm bảo quy mô theo chủ trương đầu tư. Có dự án gặp khó khăn về nguồn cung cấp đất đắp cho dự án, nếu lấy tại các mỏ được cấp phép rất xa, chi phí tăng cao không đủ khả năng thực hiện. Do đó phải thực hiện phương án tận dụng hạ thấp độ cao đất nền của các hộ dân, dẫn đến kéo dài thời gian do phải thực hiện các thủ tục theo quy định. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án cần phải có kinh phí để thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh không hỗ trợ, trong khi kinh phí của các huyện còn khó khăn nên việc thực hiện còn kéo dài.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3414/UBND-NN ngày 14/3/2024, chỉ đạo UBND các huyện và Sở Xây dựng về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Các dự án TĐC chậm tiến độ, chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tư vấn rà soát, tính toán cụ thể các nội dung thực hiện dự án để trình phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Trong trường hợp khó khăn vướng mắc, tích cực phối hợp với các sở, ngành để cùng tháo gỡ. Đối với các dự án TĐC bảo đảm tiến độ, yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm bàn giao mặt bằng để các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa bão. Cùng với đó, các ngành có liên quan của tỉnh và các địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của Nhân dân với những diễn biến bất thường của thời tiết. Đồng thời, vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ để hỗ trợ các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai đã thực hiện di chuyển đến nơi ở mới nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.