Đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên làm việc chiều 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Theo đó, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ. Trong năm 2023 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết quả tiết kiệm theo báo cáo của Chính phủ là 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (đạt 53.887 tỷ đồng). Chính phủ đã có nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; công tác quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm từ khâu đầu tư, mua sắm đến khai thác, sử dụng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục cập nhật, bước đầu vận hành có hiệu quả.
Ủy ban TCNS cũng đánh giá, công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả tiếp tục đạt được kết quả khả quan nhất định. Một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn, duy trì việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động...
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Ủy ban TCNS cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra; một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi.
Ngoài ra, tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương - nhất là kinh phí sự nghiệp thấp. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu; đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt 77.390 tỷ đồng/130,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 59% kế hoạch vốn.
Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong đấu thầu các dự án đầu tư công
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế đã nêu, Ủy ban KTNS đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án quan trọng quốc gia góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, Chương trình Mục tiêu Quốc gia, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động…. Quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.
Xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập - nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.
Đồng thời, có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất.