Đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc
Nhiều địa phương đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, sớm bàn giao mặt bằng để thi công các dự án đường cao tốc qua địa bàn
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 573/CĐ-TTg về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan vấn đề khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ liên quan và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương thực hiện những thủ tục liên quan việc khai thác mỏ mới, nâng công suất các mỏ đang khai thác phục vụ dự án.
Vật liệu xây dựng: Nơi thừa, nơi thiếu
Chỉ trong 10 ngày, 2 tuyến cao tốc trục ngang ở vùng ĐBSCL là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu đã được phát lệnh khởi công. Áp lực về nguồn VLXD, nhất là cát san lấp phục vụ 2 dự án cao tốc quan trọng này, càng trở nên nặng nề.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định nguồn VLXD được tỉnh bảo đảm cung cấp cho dự án. "Công suất các mỏ đá ở tỉnh đủ cung ứng thực hiện dự án qua địa bàn. An Giang cũng bảo đảm nguồn cát cho tuyến đường cao tốc trên địa bàn hơn 57 km, với nhu cầu trên 9 triệu m3 và sẵn sàng chia sẻ với tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ" - ông nhấn mạnh.
Đồng Tháp đang nỗ lực cung cấp cát cho công trình đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh với 6,6 triệu m3 (riêng năm 2023 là 0,7 triệu m3); Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau với 7 triệu m3 (riêng năm 2023 là 3,3 triệu m3). Tỉnh đã cấp 14 giấy phép khai thác khoáng sản (có thời hạn đến ngày 30-6-2023), với tổng khối lượng cát khai thác 6 tháng đầu năm là hơn 972.500 m3. Tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác hiện nay là 25,18 triệu m3.
Để đáp ứng nguồn VLXD cho dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn Hà Tĩnh dài hơn 102 km, tỉnh này đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản cho 28 mỏ. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hữu Tình, Trưởng Phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ cấp phép khai thác thêm 2 mỏ cát. Cùng với các mỏ cát thương mại trên địa bàn, trữ lượng sẽ được nâng lên trên 1 triệu m3, đủ khả năng cung cấp cho dự án".
Tại Bình Định, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh này dài 118,8 km, với 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thành. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chỉ huy trưởng phụ trách thi công dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tại gói thầu này, tổng khối lượng đất đào khoảng 4,5 triệu m3, khối lượng đắp khoảng 3,5 triệu m3. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực dọc tuyến thi công của đơn vị đều đi qua đất rừng trồng, đất ruộng, đất rừng tự nhiên... chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng nên chưa thể tổ chức khai thác đất để thi công. Ngoài ra, trữ lượng cát được tỉnh Bình Định cấp cho các doanh nghiệp tư nhân ở địa phương khai thác chỉ 6.000 - 7.000 m3/năm, thời gian cấp phép trong vòng 2 năm, không đủ để phục vụ dự án qua địa bàn.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép khai thác 27 mỏ VLXD nhưng vẫn không đủ cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Đại diện nhà thầu đã đề xuất tỉnh Quảng Ngãi cấp phép bổ sung 16 mỏ mới.
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, được chia thành 3 dự án thành phần. UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc này đi qua cam kết bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-6 và 100% trước ngày 30-8. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại một số địa phương vẫn đang gặp vướng.
Tại dự án thành phần 2, đoạn qua huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã phê duyệt 1 phương án và thu hồi đất với tổng diện tích 13,43 ha. UBND huyện Ea Kar đã bàn giao mặt bằng ngoài thực địa với tổng diện tích 10,9 ha. Cũng tại huyện này, với dự án thành phần 3, địa phương đã phê duyệt 4 phương án và thu hồi đất với tổng diện tích 21 ha. Ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác nhận nguồn gốc đất đối với 60 hộ, diện tích 70 ha do các hộ này lấn chiếm, sử dụng thời gian dài.
Tại Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện GPMB, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam. Bình Định đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, cho chủ trương chấp thuận đối với việc thu hồi phần diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200 m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất. Đồng thời, tổng hợp trình cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung diện tích rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên cần chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam 52/60,3 km, đạt khoảng 86%. Chiều dài các đoạn tuyến liên tục đã bàn giao thực địa là 42,96 km, trong đó có 38,89 km đủ điều kiện tiếp cận, tổ chức thi công.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, đến ngày 30-6, Quảng Ngãi phải hoàn thành, bàn giao 14% mặt bằng còn lại cho Ban Quản lý dự án 2 để triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, việc hoàn thành 100% GPMB theo tiến độ là điều không thể. Nguyên nhân là do vướng mắc trong việc bàn giao các khu tái định cư, nguồn cung vật liệu thi công đường cao tốc thiếu hụt...
Lập 2 tổ công tác kiểm tra
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan, đề nghị cử thành viên tham gia tổ công tác kiểm tra, làm việc với các địa phương về khai thác, cung ứng VLXD thông thường cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Dự kiến, 2 tổ công tác kiểm tra sẽ được thành lập, làm việc với các địa phương từ ngày 3 đến 7-7.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/day-nhanh-tien-do-cac-tuyen-cao-toc-20230625203141229.htm