Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Ngày 11-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai Dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại mỏ đất Sỏi Mê (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh). Cùng đi có ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi để nghe báo cáo về tiến độ và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận chỉ đạo buổi làm việc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận chỉ đạo buổi làm việc

Khánh Hòa kiến nghị một số nội dung

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 10-8, tổng số trường hợp đã chi trả bồi thường của toàn dự án là 2.439/2.778 trường hợp, đạt hơn 87%; đến nay đã bàn giao mặt bằng hơn 561/616ha, đạt hơn 91%. Trong năm 2023, dự án đã giải ngân hơn 504 tỷ đồng, đạt hơn 51%. Tỉnh đã hoàn thành 4 khu tái định cư, còn Khu tái định cư Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) và Khu tái định cư đường 2-9 (huyện Vạn Ninh) dự kiến hoàn thành trong tháng 8.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra việc khai thác vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc tại mỏ đất Sỏi Mê.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra việc khai thác vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc tại mỏ đất Sỏi Mê.

Tại buổi làm việc, ông Trần Hòa Nam cho biết, đối với vật liệu xây dựng, tỉnh Khánh Hòa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn một số khó khăn cần Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ giải quyết. Cụ thể, việc bổ sung các cọc mốc giới giải phóng mặt bằng của dự án phải đảm bảo nhiều thủ tục nên cần nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Tỉnh còn phải tập trung vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận công trường; các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu... Mặt khác, khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là các hạ tầng đường dây truyền tải điện quốc gia có yêu cầu cao, phức tạp về thiết kế và trình tự thủ tục thẩm định. UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xem xét ưu tiên thẩm định các hồ sơ do địa phương trình để đảm bảo thời gian; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với địa phương đẩy nhanh việc thỏa thuận hồ sơ thiết kế di dời các đường dây điện cao thế để đáp ứng tiến độ thi công của dự án.

Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác, sử dụng mỏ vật liệu và bãi đổ thải, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét có ý kiến đối với nội dung “trong trường hợp khai thác, sử dụng mỏ vật liệu và bãi chứa vật liệu thải tại các vị trí đã được đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng, được quy hoạch trồng rừng sản xuất, chủ rừng đã thu hoạch hoặc cây con mới trồng chưa thành rừng thì có phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng hay không”. Đối với trạm dừng nghỉ của dự án, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm phối hợp với địa phương triển khai các thủ tục liên quan để chủ động trong công tác quản lý đất đai và đồng bộ các quy hoạch của địa phương, làm cơ sở để quản lý, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đồng thời yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư dự án phải đẩy nhanh tiến độ, đi đôi với đảm bảo chất lượng, an toàn bền vững. Liên quan nội dung chuyển đổi đất lúa và đất rừng, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo lại để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về hạ tầng kỹ thuật điện, UBND tỉnh chủ động liên hệ các đơn vị liên quan; Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp khẩn trương xử lý để di dời, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, vấn đề thiết kế đường cao tốc phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật; các nhà thầu và cơ quan tư vấn, giám sát phải chịu trách nhiệm về chất lượng. “Thời gian qua, có thiết kế chưa thu thập, đánh giá số liệu đầy đủ nên để xảy ra sự cố trong quá trình xây dựng, khai thác, sử dụng cao tốc. Do vậy, phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn thi công, khai thác, môi trường. Cơ quan thiết kế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Các nhà thầu không đủ điều kiện, năng lực thì kiên quyết không để tham gia dự án” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý giảm thiểu những tác hại về môi trường khi khai thác đất, đá, cát phục vụ thi công; việc bố trí tái định cư phải đảm bảo tiến độ, chất lượng nơi ở mới cho người dân.

Dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, có điểm đầu tại hầm Cổ Mã (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) và điểm cuối tại Quốc lộ 27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), kết nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 11.808 tỷ đồng với chiều dài khoảng 83,3km; đi qua 4 huyện, thị xã, gồm: Vạn Ninh (hơn 32km), Ninh Hòa (hơn 28km), Diên Khánh (hơn 14km), Khánh Vĩnh (gần 8km); giải phóng mặt bằng khoảng 616ha; ảnh hưởng 2.778 hộ dân, trong đó 196 hộ cần bố trí tái định cư.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/day-nhanh-tien-do-cao-toc-van-phong-nha-trang-65d2b8f/