Đẩy nhanh tiến độ cụm công trình Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vừa có cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Chiều 9/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa về tiến độ giải phóng mặt bằng và công tác thi công các dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (gồm đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối; đường dây 500 kV đấu nối Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân).
Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Ông đã báo cáo về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi qua địa bàn tỉnh. Theo đó, Dự án đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân đi qua các địa phương: Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh với tổng cộng 172 vị trí phần móng và hành lang.
Đến thời điểm này, địa phương đã bàn giao 172 mặt bằng phần móng cho các chủ đầu tư, đạt tỷ lệ 100%. Về hành lang tuyến, đến nay TP Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa đã hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng; huyện Diên Khánh còn 10/52 vị trí chưa chi trả tiền bồi thường; huyện Cam Lâm thực hiện chi trả bồi thường được 51/55 vị trí.
Đối với Trạm biến áp 500kV Vân Phong được xây dựng trên địa bàn xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa đã bàn giao mặt bằng xong. Riêng tuyến đường dây 220kV đi qua các xã, phường: Ninh Phước, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Thọ, Ninh Đồng và Ninh An (thị xã Ninh Hòa). Đến thời điểm này, tuyến đường dây 220kV hiện đã bàn giao 61/62 vị trí phần móng; phần hành lang đã bàn giao 54/62 vị trí.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận nhằm rà soát những vướng mắc còn tồn tại phần móng trụ và hành lang tuyến để hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến còn lại trong tháng 6/2022. Đồng thời, thông báo đến các hộ dân đã nhận tiền tổ chức chặt hạ cây cối, tháo dỡ nhà ở, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kéo dây đóng điện công trình.
Trường hợp phương án bồi thường được tính đúng, tính đủ theo quy định nhưng các hộ dân vẫn cố tình cản trở, chống đối và không thực hiện việc bàn giao mặt bằng, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các địa phương và đơn vị có liên quan phối hợp với chủ đầu tư lập phương án và tổ chức lực lượng bảo vệ thi công, nhất là trong giai đoạn gấp rút hiện nay.
Về tiến độ thi công dự án, ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Giám đốc CPMB cho biết, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, làm thêm ca để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các vị trí móng có địa hình phức tạp hoặc qua rừng còn lại chưa thi công móng cũng yêu cầu nhà thầu tính đến giải pháp vận chuyển cột thép, dây dẫn đồng bộ với quá trình vận chuyển vật liệu đúc móng.
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Hồng Phương cho biết, trong quá trình triển khai dự án gặp một số thách thức như thời tiết, dịch bệnh, giá cả vật tư thiết bị tăng cao nên một số gói thầu phải đấu thầu lại. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, EVN và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận nên tiến độ bàn giao mặt bằng và thi công đạt khối lượng lớn.
Tuy nhiên, tiến độ thi công hiện nay vẫn chậm hơn kế hoạch nên EVN yêu cầu EVNNPT/CPMB đề nghị các nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực để triển khai đồng loạt 3 công việc: đào - đúc móng; lắp - dựng cột và sẵn sàng vật tư, thiết bị để rải căng dây. Trong quá trình triển khai, nếu gặp vướng mắc báo cáo ngay Tập đoàn để kịp thời tháo gỡ và EVN sẽ tạo mọi điều kiện tối đa để EVNNPT thực hiện dự án này.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, đây là những dự án rất quan trọng nhằm giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Theo hợp đồng đã ký kết nếu dự án này chậm 1 ngày Việt Nam sẽ phải bồi thường khoảng 1 triệu USD.
Thứ trưởng đánh giá cao đánh giá cao tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã thực hiện nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực trong việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án, tuy nhiên, thời gian triển khai dự án không còn nhiều, quỹ thời gian dự phòng gần như không có. Trong khi đó, dự án tiềm ẩn rất nhiều thách thức như: cung cấp vật tư thiết bị, thi công trong điều kiện địa chất khó khăn, thời tiết sắp vào mùa mưa, mặt bằng vẫn chưa được bàn giao hết.
Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn các địa phương tiếp tục cố gắng hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại để sớm bàn giao cho chủ đầu tư tiến hành thi công. Bên cạnh việc tích cực vận động người dân và các tổ chức hợp tác bàn giao mặt bằng, địa phương cũng cần có phương án cưỡng chế bảo vệ thi công đối với những trường hợp chây ì, không hợp tác. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành việc đóng điện đúng kế hoạch là tháng 12 năm nay.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 có 2 tổ máy với tổng công suất 1.320 MW. Dự án nằm trên địa bàn 2 thôn Ninh Thủy, Ninh Giang (xã Ninh Phước), ngay sát nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin và Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Để thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân xã Ninh Phước được di dời, tái định cư.
Dự án này được triển khai từ năm 2007, nhưng đến tháng 7/2017 mới được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tháng 10/2018, dự án chính thức ký hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện và được Chính phủ cấp bảo lãnh. Đây là một trong những hợp đồng thuộc văn kiện hợp tác đã được Việt Nam và Nhật Bản trao đổi tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản năm 2018.
Tháng 10/2019, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 động thổ sau 12 năm được chấp nhận chủ trương đầu tư. Sau 3 năm khởi công, dự án đạt 65% tiến độ. Theo kế hoạch Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sẽ đi vào khai thác thương mại trong năm 2023.
Khi đi vào hoạt động, mỗi năm, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh. Lượng điện này được truyền tải thông qua đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Hiện, một số hạng mục chính như móng tua bin, bến bốc dỡ thiết bị, kè bảo vệ bờ... đã thi công xong.