Đẩy nhanh tiến độ dự án về quản lý tài chính công tại Việt Nam
Chiều 23/11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Dự án Hợp phần 1 – Tăng cường quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn (Dự án) thuộc 'Chương trình tăng cường quản trị kinh tế tại Việt Nam' đã tổ chức phiên họp lần thứ ba để đánh giá kết quả triển khai Dự án thời gian qua và chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai năm 2024.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA của Bộ Tài chính cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Đức đã hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện Dự án Hợp phần 1 – ‘Tăng cường quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn” thuộc "Chương trình Tăng cường quản trị kinh tế tại Việt Nam". Đây là dự án quan trọng có quy mô lớn do EU và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua GIZ quản lý và thực hiện.
Dự án Hợp phần 1 “Tăng cường quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn” do Bộ Tài chính làm cơ quan chủ quản; EU và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (thông qua GIZ thực hiện) đồng tài trợ.
Về kết quả thực hiện Dự án, ông Trần Văn Sơn cho biết, 2023 là năm đầu tiên triển khai với nhiều khó khăn, thách thức, Dự án đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trong công tác chuẩn bị, khởi động, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch… Công tác chỉ đạo điều hành, phối kết hợp giữa các bên đã được thực hiện kịp thời. Các kết quả đạt được đã góp phần thực hiện mục tiêu của Dự án, đặc biệt là đã đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách quản lý tài chính công của ngành Tài chính.
Dự án luôn nhận được sự quan tâm sát sao và chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo, sự hỗ trợ và phối hợp tốt của các đơn vị quản lý trong và ngoài Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, trong năm 2023, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án được triển khai theo kế hoạch đề ra. Công tác điều phối giữa nhà tài trợ và các đơn vị thụ hưởng được Ban Quản lý dự án ODA duy trì liên tục trong quá trình chuẩn bị và quản lý thực hiện Dự án, hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án.
Theo báo cáo của GIZ và Ban Quản lý dự án ODA, Kế hoạch thực hiện năm 2023 của Dự án được phê duyệt có 61 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (bao gồm cả hoạt động Tổ chức Diễn đàn tài chính). Trong đó, đã hoàn thành 6/51 hoạt động, chiếm tỷ lệ 9,8%; Số hoạt động đang triển khai là 17/61 hoạt động, chiếm tỷ lệ 27,9%; Số hoạt động chưa triển khai là 38/61 hoạt động, chiếm tỷ lệ 62,3%. Kết quả cho thấy, tiến độ triển khai các hoạt động của Dự án vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra.
Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA Trần Văn Sơn nêu rõ, nguyên nhân tiến độ Dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra do 2023 là năm đầu tiên triển dự án, khối lượng công việc chuẩn bị nhiều; quá trình triển khai một số hoạt động gặp các các vấn đề phát sinh cần phải nghiên cứu xử lý dẫn tới phải điều chỉnh thời gian thực hiện các hoạt động, việc này cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Công tác xây dựng và quy trình phê duyệt kế hoạch bị chậm, đến tháng 08/2023 bản kế hoạch tổng thể điều chỉnh và kế hoạch thực hiện năm 2023 mới được phê duyệt…
Liên quan đến các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án, ông Trần Văn Sơn cho biết, Ban Quản lý dự án ODA sẽ phối hợp với các đơn vị thụ hưởng, GIZ và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành các thủ tục phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án năm 2024, để các hoạt động bắt đầu triển khai ngay từ tháng 01/2024 đảm bảo tiến độ và kết quả. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết cần báo cáo Ban Chỉ đạo để có biện pháp tháo gỡ hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Cùng với đó, Ban Quản lý dự án ODA và GIZ định kỳ báo cáo tiến độ và kết quả giải ngân nguồn vốn ODA của Dự án Hợp phần cho các cơ quan liên quan làm cơ sở theo dõi, giám sát Dự án; Ban Quản lý dự án ODA phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Bộ Tài chính việc tăng cường năng lực thông qua việc củng cố, hoàn thiện bộ máy nhân sự của Ban Quản lý dự án ODA nhằm đảm bảo triển khai thành công Dự án…
“Phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo dự kiến tổ chức vào tháng 07/2024 sẽ rà soát, xem xét về kết quả, tiến độ triển khai 6 tháng đầu năm 2024 và chỉ đạo định hướng kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 của Dự án”, ông Trần Văn Sơn cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện GIZ nhấn mạnh, đây là Dự án quan trọng, được Chính phủ Đức rất quan tâm, hơn nữa, Dự án được triển khai vào đúng thời điểm vì những cải cách về quản lý tài chính công trong khuôn khổ Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ngân sách năng lượng của EU.
Theo đại diện GIZ, quản lý tài chính công hiệu quả giúp đảm bảo các nguồn lực công khan hiếm mang lại tác động cao nhất cho những lĩnh vực cần đầu tư nhất. Đặc biệt, đại diện GIZ bày tỏ tin tưởng Dự án sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chính sách và phát triển của mình, góp phần tạo hiệu quả tốt hơn nữa trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, các đại biểu dự họp đã trao đổi cụ thể về các kết quả triển khai Dự án thời gian qua; Kế hoạch thực hiện năm 2024 và chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án trong thời gian tới...
Theo kế hoạch đã được thống nhất, Dự án sẽ triển khai trong vòng 48 tháng và dự kiến kết thúc vào năm 2026. Mục tiêu cụ thể của Dự án là tăng cường quản lý ngân sách và dự báo thu; Tăng cường quản lý nợ bằng tăng cường năng lực của Chính phủ trong thực hiện quản lý nợ hiệu quả hơn ở cả cấp trung ương và địa phương; Tăng cường môi trường thuế và huy động các nguồn thu bằng việc hỗ trợ cải cách chính sách thuế, bao gồm cả việc mở rộng cơ sở tính thuế, giảm nguy cơ xói mòn cơ sở thu thuế và việc chuyển lợi nhuận (BEPS), giảm khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế, đảm bảo các sắc thuế không mang thành kiến về giới tính và khuyến khích hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.