Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2022, mặc dù có sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh nhằm tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC), song đến hết năm, tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh đạt thấp. Điều này đặt ra áp lực kép đối với công tác giải ngân VĐTC năm 2023, khi đồng thời phải thực hiện cả kế hoạch giải ngân năm 2023 và vốn chuyển tiếp năm 2022.
Theo kế hoạch, năm 2023, xã Bắc Phong (Cao Phong) sẽ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, từ năm 2022, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), xã được phân bổ tổng nguồn vốn gần 10 tỷ đồng đầu tư làm 2 tuyến đường giao thông liên xóm, tường bao, sân chơi nhà văn hóa xã, tuyến đường hoa và đường điện chiếu sáng...
Đồng chí Bùi Xuân Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Để triển khai thi công các công trình, UBND xã phối hợp với các đơn vị tiến hành họp dân, lên phương án giải phóng mặt bằng, người dân rất đồng tình ủng hộ. Các công việc đã sẵn sàng, tuy nhiên đến thời điểm này chưa triển khai được do khó khăn về nguồn vốn.
Không chỉ xã Bắc Phong, hiện nay, công tác giải ngân vốn CTMTQG xây dựng NTM tại huyện Cao Phong còn nhiều vướng mắc. Theo đồng chí Bùi Văn Hưng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện, năm 2022, từ các nguồn vốn, toàn huyện được phân bổ hơn 153 tỷ đồng thực hiện 26 công trình phát triển hạ tầng. Trong đó có 17 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 4 công trình hồ đập. Năm 2023, huyện phấn đấu 2 xã Thạch Yên, Thung Nai đạt chuẩn NTM. Tổng số vốn huyện được duyệt thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2023 là 13,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư 6,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 2,6 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 3,9 tỷ đồng. Huyện đã hoàn thành lập danh mục 16 công trình đầu tư năm 2023, trong đó có 12 công trình chuyển tiếp và 4 công trình mới. Hiện nay, huyện tiếp tục hoàn thiện báo cáo kỹ thuật gửi tỉnh thẩm định để triển khai thực hiện.
Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg, ngày 03/12/2022 là 10.090,9 tỷ đồng, số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, giải ngân kế hoạch VĐTC mới đạt 387,4 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 7% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án. Trong đó, tiến độ triển khai vốn thực hiện các CTMTQG khá chậm và chưa đạt kế hoạch UBND tỉnh đề ra. Năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách T.Ư hỗ trợ thực hiện các CTMTQG là 1.128,409 tỷ đồng. Hiện nay, vốn thực hiện CTMTQG xây dựng NTM chưa giao là 5,81 tỷ đồng; vốn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững chưa giao là 67,017 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân giải ngân VĐTC chưa đạt kế hoạch, ngoài yếu tố khách quan là việc phân bổ vốn từ T.Ư chậm còn do nguyên nhân chủ quan xuất phát từ hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và công tác phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương còn thiếu tính chủ động.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2023, kế hoạch vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 400 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2022 và hơn 800 tỷ đồng thực hiện năm 2023. Đây là áp lực không nhỏ khi CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN có 10 dự án, 16 tiểu dự án và 36 tiểu mục. Mỗi dự án, tiểu dự án đều có những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện khác nhau, chính vì vậy không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình thực hiện. Để triển khai có hiệu quả chương trình, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn từ chương trình, trước mắt, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, nhất là các địa phương rà soát lại các văn bản hướng dẫn. Đối với những nội dung nào chưa phù hợp thì tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tiếp tục đôn đốc các huyện phân bổ vốn chi tiết đến từng công trình đã có quyết định đầu tư và làm tốt kế hoạch truyền thông các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc tại cơ sở.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2023, tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của bộ, ngành T.Ư về đẩy mạnh giải ngân VĐTC. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thực hiện các CTMTQG, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong tổ chức thực hiện các chương trình và rà soát các dự án nhằm hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án. Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các chương trình, dự án thuộc CTMTQG và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT - XH ở địa phương.