Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch
Sáng 19/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Cùng chủ trì có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; tại điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 năm 2017. Từ đó đến nay, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về công tác này. Tuy nhiên, đến nay việc tổ chức thực hiện ở các cấp chưa đạt tiến độ như mong muốn. Do đó, hội nghị này, chúng ta cần bàn giải pháp triển khai Luật Quy hoạch của Quốc hội. Trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 có chương trình giám sát về công việc này.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác lập quy hoạch. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Nhân dịp hội nghị trực tuyến có đầy đủ các địa phương trên cả nước, đề cập về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, các TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sau một thời gian giãn cách đã đạt kết quả nhất định nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục thực hiện việc này; phải kiểm soát được dịch bệnh, tức là chống lây giữa người với người, "ai ở đâu ở đó", cách ly nguồn lây. Muốn làm được thì chúng ta phải bảo đảm người dân không "thiếu ăn, thiếu mặc"; đáp ứng các yêu cầu về y tế mọi nơi, mọi lúc, mọi người; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó TP Hồ Chí Minh cố gắng đến 15/9 kiểm soát được tình hình. Việc giãn cách xã hội kéo dài thì lực lượng vật chất con người, vật chất có hạn. Do đó Thủ tướng kêu gọi sự giúp đỡ của bác sĩ, điều dưỡng, nhất là bác sĩ hồi sức cấp cứu ở các địa phương chi việc cho TP Hồ Chí Minh với tinh thần vì miền Nam thân yêu, vì TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế chính trị lớn nhất cả nước.
Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì tiếp tục thực hiện nghiêm, những tỉnh nào không phải giãn cách xã hội thì chi viện nhân lực cho các tỉnh phía nam, đặc biệt là nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng, khi nào cần có thể điều động ngay.
Thủ tướng kêu gọi các địa phương nêu cao tinh thần "tương thân tương ái"; nêu rõ, yêu cầu về bác sĩ, điều dưỡng viên là rất lớn. Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương ủng hộ vật chất cho các tỉnh, thành phố phía nam. Lúc này chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, thống nhất. Trước đây, cả nước đã chi viện Bắc Ninh, Bắc Giang, nhờ đó 2 địa phương này đã kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, bây giờ chúng ta tiếp tục làm theo tinh thần đó.
Cần nhanh chóng nâng cấp đội ngũ y bác sĩ, nâng cấp cơ sở vật chất trong lúc này. Có kiểm soát được tình hình ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam mới kiểm soát được dịch bệnh ở cả nước. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao, thực hiện hiệu quả Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ...
* Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 1 số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới về công tác quy hoạch.
Theo đó, bám sát quan điểm chung là quyết tâm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp gắn với nhiệm vụ “vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện” đã được Quốc hội thông qua, góp phần tích cực trong việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, Bộ đề xuất 1 số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch như sau:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch; đồng thời, không trình phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi chưa thực sự cần thiết, để không ảnh hưởng tới quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban trên cơ sở nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia để chỉ đạo thống nhất các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhanh chóng việc lập các quy hoạch theo quy định.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 1 số điều có liên quan quy hoạch phù hợp quy định của Luật Quy hoạch. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng và các Bộ liên quan khác khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, điện lực, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng và phương án đổi mới sáng tạo trong nội dung quy hoạch tính theo hướng không làm phát sinh thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, dễ triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (trong đó có kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công).
Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 9/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong khi các quy hoạch cấp quốc gia chưa được lập và phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khẩn trương phối hợp các địa phương làm công tác quy hoạch. Thủ tướng lưu ý, công tác quy hoạch rất quan trọng và không mới; làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch đi trước một bước; quy hoạch tổng thể, bao quát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cụ thể hóa Luật Quy hoạch của Quốc hội, bám sát tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, bộ, ngành, cơ quan đơn vị để phát triển bền vững. Làm tốt công tác quy hoạch thì đánh giá được tốt các tiềm năng, tìm ra hạn chế, nhận rõ cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó có giải pháp trong quy hoạch tập trung phát triển kinh tế - xã hội tốt. Có quy hoạch tốt mới có đề án, dự án tốt, có nhà đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.
Chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung dần, không cầu toàn, không nóng vội. Công tác quy hoạch không mới, nhưng cái mới là đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Chúng ta phải kết hợp, T.Ư trao đổi với địa phương, địa phương trao đổi với Trung ương, các địa phương trao đổi với nhau. Bộ trưởng phải công bố khung định hướng quy hoạch ngành mình, các địa phương căn cứ đó để hài hòa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Cần phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau. Các quy hoạch bám sát vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Bộ trưởng chủ trì cùng các địa phương tham khảo ý kiến để chỉnh sửa ngay; cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì các bộ, ngành, địa phương tập hợp lại để trình. Quá trình làm bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Cái gì chưa có quy định, vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn làm thí điểm, rồi bổ sung, hoàn thiện sau.
Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo này tùy tình hình mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2021 và những năm tiếp theo. Khi có các nhà đầu tư tốt sản xuất tạo ra hiệu quả. Phải hoàn thiện thể chế với tinh thần phải phân cấp và giảm thủ tục hành chính. Các bộ, ngành Trung ương là làm chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế, không làm cụ thể, không đặt ra nhiều thủ tục hành chính. Phân cấp triệt để nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực, giảm tối đa thủ tục hành chính. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của mỗi cơ quan, đơn vị.
Phải chọn tư vấn có chất lượng nhưng người thực hiện vẫn phải là chúng ta; cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp chính quyền tổ chức thực hiện tốt theo quy định, bám sát thực tiễn, phối hợp tư vấn trong nước hoặc nước ngoài. Liên quan kinh phí, chúng ta cần huy động các nguồn hộp pháp khác, thanh toán theo thỏa thuận để nâng cao chất lượng quy hoạch. Mở rộng cơ chế tài chính. Bí thư, cấp ủy chính quyền phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Về kết nối các quy hoạch, tinh thần chung là chúng ta đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để cùng làm, cùng tháo gỡ, không câu nệ thủ tục hành chính, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không cục bộ, không manh mún mà phải bao quát. Về vấn đề chia sẻ thông tin, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia, theo tinh thần chuyển đổi số. Những gì dùng chung được thì kết hợp, tinh thần không lãng phí. Phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Các bộ phải công bố định hướng quy hoạch lớn của ngành, do nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch của địa phương. Về tiến độ thì chúng ta đã chậm. Bí thư cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm kết nối vùng, kết nối quốc gia hiệu quả. Các bộ ngành nghiên cứu nâng cao chất lượng Nghị định, đơn giản thủ tục, giảm thời gian không cần thiết.