Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt
Sáng 23-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp nghe báo cáo về Tiến độ thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, được giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) chủ trì, có sự phối hợp của các đơn vị liên quan của Bộ GD-ĐT.
Báo cáo tiến độ thực hiện được, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN cho biết: Thời gian qua, Viện KHGDVN và Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn "không đợi” phê duyệt chính thức mà đã triển khai thực hiện một số nội dung cho hồ sơ quy hoạch, đã tổ chức đi khảo sát đánh giá thực trạng tại một số địa phương.Từ tháng 5 đến tháng 11-2022, Viện KHGDVN đã tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại 51 tỉnh/thành phố (kết hợp cả khảo sát trực tiếp và khảo sát trực tuyến). Và gần cuối tháng 12-2022, Viện KHGDVN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Từ thực tế triển khai cho thấy còn những khó khăn. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo luật, có tham dự của 1 nhà thầu. Tuy nhiên, qua xét hồ sơ năng lực thì nhà thầu chưa đạt các tiêu chí theo hồ sơ mời thầu. Do đó, chưa lựa chọn được đơn vị thực hiện nhiệm vụ quy hoạch trên.
Kết quả khảo sát đánh giá thực trạng cho thấy, ở hầu hết các địa phương đang tồn tại hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục, việc quản lý các cơ sở này còn gặp khó khăn đối với ngành giáo dục và đào tạo, vì một số cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật được thành lập không thuộc ngành GD-ĐT…
Theo đó, Viện KHGDVN kiến nghị, gia hạn thêm thời gian thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kế hoạch tài chính của nhiệm vụ theo đúng quy định, tổ chức họp nhóm các thành viên chính thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt để phân công trách nhiệm của từng thành viên.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Việc quy hoạch cần tính toán, rà soát các điều kiện thực hiện, thiết bị dạy học, tài liệu giáo dục địa phương, giáo dục dân tộc… đến với người học phù hợp, tính bước rộng nhưng phải sâu.
Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, việc đánh giá thực trạng phải chất lượng, có nội dung cần được tính kỹ. Phải có tọa đàm, làm rõ nội dung hồ sơ kỹ thuật. Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục Đại học và đầu mối là Viện KHGD cần có sự phối hợp thực hiện, có văn bản gửi 63 Sở GD-ĐT để đặt vấn đề giúp số liệu liên quan. Cần sớm hoàn thiện các văn bản gửi các bộ phận chức năng trong Bộ, chuẩn bị nội dung theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ để cùng xem xét.
* Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê: Tỉ lệ khuyết tật ở trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,83%, tương đương khoảng 1,5 triệu trẻ em khuyết tật; Tỉ lệ trẻ em khuyết tật ở khu vực nông thôn cao hơn 1,5 lần khu vực thành thị; Vùng có khuyết tật cao nhất là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Báo cáo thống kê số liệu về các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật theo công văn số 1742 ngày 20-5-2021 của Bộ GD-ĐT (52/63 tỉnh/thành gửi số liệu) cho biết có 44 cơ sở giáo dục chuyên biệt (35 công lập và 9 tư thục). Nhiều tỉnh/thành không thể thành lập được Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HTPT GDHN) (bao gồm cả công lập và tư thục). Các trung tâm đang gặp những khó khăn, thiếu về đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Thiếu về phương tiện/thiết bị/đồ dùng dạy học và học liệu đặc thù cho từng dạng khuyết tật.