Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Từ đầu năm đến nay, với nguồn vốn được giao, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ giải ngân vốn các chương trình này vẫn thấp, cần gấp rút tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.

Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một hộ dân ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: LÊ HẢO

Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một hộ dân ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: LÊ HẢO

Nhiều vướng mắc

Theo bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, đơn vị đang triển khai thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến hết tháng 7, các đơn vị, địa phương thụ hưởng chương trình tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 với kinh phí hơn 27 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 7,83%. Trong quá trình triển khai, các dự án đều gặp một số vướng mắc.

Điển hình như Ủy ban Dân tộc chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức cho vay, định mức vốn cho vay, thời gian cho vay và lãi suất vay hỗ trợ các hộ DTTS còn gặp nhiều khó khăn theo Tiểu dự án 1 của Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) nên chưa triển khai chính sách của dự án.

Đối với Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành tài liệu dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 (các lớp 1, 2, 3), chưa ban hành tài liệu dạy học và tổ chức tập huấn giảng dạy cho người mù chữ giai đoạn 2 (các lớp 4, 5).

Hiện nay, HĐND tỉnh chưa có nghị quyết quy định về nội dung, định mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia xóa mù chữ theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Tài chính.

Tại huyện Đồng Xuân, năm 2024, địa phương này được phân bổ trên 87 tỉ đồng để thực hiện 3 chương trình MTQG. Mặc dù đã nỗ lực nhưng tiến độ giải ngân các nguồn vốn chương trình MTQG trên địa bàn chưa cao. Đến nay, huyện giải ngân được khoảng 8 tỉ đồng.

Theo UBND huyện Đồng Xuân, công tác triển khai các dự án, công trình thuộc các chương trình MTQG tuy đã thực hiện nhưng vẫn còn chậm về mặt thủ tục hồ sơ nên tiến độ giải ngân nguồn vốn thấp. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn.

Các dự án thuộc Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhưng UBND huyện chưa thể ban hành các quyết định phê duyệt dự án do nguyên nhân nêu trên. Năng lực đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện các chương trình ở một số xã chưa đáp ứng với nhu cầu trong tình hình mới. Ý thức trách nhiệm và sự tham gia của một bộ phận người dân trong việc triển khai thực hiện chương trình còn thiếu tính tự giác và chưa được thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai các chương trình MTQG như: giai đoạn 2021-2025, số lượng và yêu cầu đạt chuẩn của các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới (NTM) cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Do đó, bình quân tiêu chí xã NTM của tỉnh giảm. Các xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM (18 xã), phần lớn là những xã có điều kiện kinh tế rất khó khăn, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đảm bảo; thu nhập người dân còn thấp, tỉ lệ nghèo đa chiều còn rất cao, do đó khó hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Chương trình bê tông hóa nông thôn được triển khai mạnh mẽ, góp phần đưa Tây Hòa trở thành huyện nông thôn mới và hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Mở rộng đường bê tông nông thôn ở xã Hòa Phong. Ảnh: NGỌC HÂN

Chương trình bê tông hóa nông thôn được triển khai mạnh mẽ, góp phần đưa Tây Hòa trở thành huyện nông thôn mới và hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Mở rộng đường bê tông nông thôn ở xã Hòa Phong. Ảnh: NGỌC HÂN

Cùng vào cuộc

Để tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương rà soát các dự án thành phần có kế hoạch vốn lớn, chậm tiến độ và giải ngân thấp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đúng trình tự, mục tiêu, đối tượng, hiệu quả.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình MTQG, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về trình tự thực hiện, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán một số nội dung thuộc nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình; tập trung khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng thời, địa phương cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo UBND TX Đông Hòa, địa phương đang tập trung giữ vững các tiêu chí đạt NTM; phấn đấu các xã về đích NTM, thị xã hoàn thành NTM năm 2024, NTM nâng cao cuối năm 2025. Trong đó, thị xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua bằng nhiều hình thức.

Để các chương trình MTQG được triển khai thuận lợi, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thực tế và làm việc với các địa phương, sở ngành liên quan để kiểm tra, đồng thời nắm bắt khó khăn của từng chương trình.

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025 cho biết: Các chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Xác định việc triển khai các chương trình MTQG là việc khó, nhưng với quyết tâm cao và để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện 3 chương trình MTQG; yêu cầu các sở, ngành bố trí thời gian và nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai và phản ánh khó khăn, vướng mắc phát sinh của cơ sở để tháo gỡ kịp thời. Căn cứ dự toán được điều chỉnh theo Quyết định 1027/QĐ-UBND, các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, ngân sách cấp dưới đảm bảo đúng quy định.

“Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cần được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Các địa phương thành lập các tổ giám sát cộng đồng; các nguồn vốn phải được công khai, minh bạch, rõ ràng để người dân biết và cùng làm với Nhà nước. Mục tiêu đề ra là phấn đấu giải ngân hết vốn của các chương trình, mang lại hiệu quả thật sự, đảm bảo chi đúng mục tiêu, đối tượng”, đồng chí Đào Mỹ nhấn mạnh.

Tính đến ngày 15/8, tỉ lệ giải ngân vốn các chương trình MTQG tại các đơn vị, địa phương tương đối thấp. Nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân được 68,07 tỉ đồng, đạt 10,5% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư 46,3 tỉ đồng (đạt 16,2%), vốn sự nghiệp 21,76 tỉ đồng (đạt 6%). Nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân khoảng 15,571 tỉ đồng, đạt 38,6% kế hoạch.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320394/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.html