Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030
Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch (CTQH) thời kỳ 2021 - 2030. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang...
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, các địa phương thực hiện ngay 13 nhóm giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về quy hoạch (QH) và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời nâng cao chất lượng CTQH. Đến nay đã có 5 nhiệm vụ đã hoàn thành; 3 nhiệm vụ đang triển khai; 4 nhiệm vụ chưa triển khai.
Các đại biểu cho rằng, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về CTQH để đảm bảo phù hợp với Luật QH còn chậm so với yêu cầu đề ra; quy trình thẩm định, phê duyệt QH còn phức tạp, tốn nhiều thời gian; việc rà soát tổng thể QH tỉnh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành nên kéo dài thời gian; nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc triển khai Luật QH là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ XV và các bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật QH đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra; tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt chậm, chất lượng chưa được như mong muốn để có những QH thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện có hiệu quả… Do đó, số lượng QH được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đạt trên 16%, số lượng QH còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.
Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng CTQH, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật QH, nếu có nội dung không phù hợp với quy định của Luật QH, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục, cần kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi. Trong đó, các bộ được giao nhiệm vụ chủ trì khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật QH để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập QH thời kỳ 2021 – 2030.
Về tiến độ lập các QH, Thủ tướng chỉ đạo phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KT – XH 10 năm, Luật QH, các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; gần đây là QH tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các QH cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh trong năm 2023 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các QH.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt CTQH đảm bảo chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/08/2022.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng QH và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp QH trong hệ thống QH quốc gia. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu QH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển KT – XH 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển KT – XH của từng bộ, ngành và địa phương…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị công bố và triển khai QH tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.