Đẩy nhanh việc chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 năm học 2021 – 2022
Hiện đã là tháng 4, còn khoảng 4 tháng nữa sẽ bắt đầu năm học 2021 - 2022, năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 2 và 6. Khác với học sinh lớp 2 đã có năm lớp 1 được làm quen với chương trình GDPT mới, các em lớp 6 đã trải qua suốt 5 năm bậc tiểu học học theo chương trình cũ. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ khiến thầy , trò cũng như các bậc phụ huynh không tránh khỏi sự bỡ ngỡ.
Your browser does not support the audio element.
Đối với bậc THCS, cụ thể là với giáo viên lớp 6, Sở GD&ĐT đã chỉ đạocác đơn vị, nhà trường tổ chức chotoàn thế cán bộ quản lý (CBQL) và giáoviên (GV) nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình GDPT mới. Đồng thời, mời Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tập huấn cho CBQL các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường THCS về Chương trình GDPT mới và định hướng đổi mới GD&ĐT, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBQL, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh vàcộng đồng xã hội về chương trình, sách giáo khoa GDPT. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 297/SGD& ĐT-TrH ngày 25/2/2019 về việc hướng dẫn triển khai cho CBQL cấp THCS về công tác đổi mới GDPT, trong đó chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn (CM) trong các nhà trường tiếp tục xây dựng phát triển chương trình môn học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT.
Đồng chí Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Sở GD&ĐT đã cử 24 tổ trưởng CM cấp THPT và 32 tổ trưởng CM cấp THCS tham dự tập huấn về chương trình GDPT 2018 do dự án RGEP tổ chức và yêu cầu các đơn vị có GV là tổ trưởng CM tham gia tập huấn phải báo cáo, triển khai tập huấn cho toàn thể GV trong nhà trường. Sở GD&ĐT cũng đã cử và hiện nay có 39 cán bộ quản lý cốt cán, 210 GV cốt cán cấp THCS tham gia và hoàn thành các đợt tập huấn nội dung Modul 1, Modul 2, Modul 3 chương trình GDPT 2018 do Học viện Quản lý Giáo dục và Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức.
Năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức và triển khai tập huấn cho CBQL, GV đã hoàn thành tập huấn cho 100% lãnh đạo, chuyên viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, GV đại trà với 2 hình thức bồi dưỡng trực tuyến và bồi dưỡng trực tiếp. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tập huấn cho 100% tổ trưởng chuyên môn, GV tiếp cận và nắm bắt được nội dung chương trình GDPT mới năm 2018. Tính đến thời điểm hiện tại, đội ngũ CBQL, GV trong tỉnh cơ bản đã đảm bảo về số lượng, được tập huấn đầy đủ về nội dung Modul 1, 2 chương trình GDPT 2018 và nội dung giáo dục STEM, sẵn sàng để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Thực hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, hiện nay, toàn tỉnh có 233 trường có cấp THCS, trong đó có 1.818 lớp học với 1.899 phòng học, 433 phòng học bộ môn, 182 phòng học tin, 205 phòng thiết bị. Về cơ bản đảm bảo cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, trường học đang cải tạo, xây mới phòng học nên học sinh vẫn phải chia khối học theo các buổi trong ngày.
Đối với việc biên soạn và thẩm định tài liệu "Nội dung giáo dục địa phương” học sinh lớp 6, Sở GD&ĐT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS. Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp ngữ liệu để tiến hành biên soạn.
Về vấn đề tài liệu giáo dục địa phương, đồng chí Trưởng Phòng GD Trung học cho biết thêm: Hiện nay, Sở GD&ĐT phối hợp tích cực với Ban Quản lý Dự án Giáo dục THCS khó khăn nhất, giai đoạn 2 và Công ty Cổ phần In và Thương mại Trường An (đơn vị được lựa chọn tổ chức biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cho tỉnh Hòa Bình) thực hiện việc biên soạn. Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành bản mẫu lần 1; thực nghiệm tại một số huyện; lấy ý kiến các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố về khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS; tiếp tục hoàn thiện khung chương trình và trình UBND tỉnh ban hành, tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK và tiến hành thực nghiệm. Theo kế hoạch, dự kiến tài liệu giáo dục địa phương sẽ được hoàn thiện vào ngày 31/5/2021 để trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Hiện nay, một số nhà trường được chọn lựa dạy thử nghiệm tài liệu giáo dục địa phương để có sự rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.