Đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình CSA

Qua 4 vụ triển khai thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) tại Quảng Trị cho thấy năng lực áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật và nhận thức về biến đổi khí hậu của nông dân các vùng dự án được nâng cao thông qua các lớp tập huấn, xây dựng mô hình, góp phần đưa năng suất và hiệu quả kinh tế tăng lên, giảm phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Do vậy, giai đoạn tới cần đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình CSA.

 Mô hình CSA nhân rộng trên cây tiêu được tập trung triển khai trong năm 2020. Ảnh: TL

Mô hình CSA nhân rộng trên cây tiêu được tập trung triển khai trong năm 2020. Ảnh: TL

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, thành công của mô hình đã giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kĩ thuật trong sản xuất, khuyến khích các địa phương khác ngoài mô hình áp dụng; tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, cây màu; thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Một kết quả quan trọng nữa là dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững.

Từ kết quả thực hiện các mô hình CSA, giai đoạn 2019-2020 cần đẩy nhanh việc nhân rộng các thực hành mô hình CSA có hiệu quả trên cây lúa, rau, màu, hồ tiêu, nhất là biện pháp quản lí cây trồng tổng hợp (ICM) cho các địa phương trong vùng dự án tỉnh Quảng Trị. Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tham quan mô hình nhằm chuyển giao kĩ thuật canh tác ICM cho nông dân ở vùng nhân rộng. Tài liệu hóa các quy trình canh tác CSA, xây dựng các phóng sự, tin bài nhằm giới thiệu và tuyên truyền các biện pháp có hiệu quả từ mô hình CSA.

Việc nhân rộng các thực hành CSA theo hai hình thức là nhân rộng chính và nhân rộng đại trà. Nhân rộng chính là diện tích nhân rộng được hỗ trợ để xây dựng các mô hình điểm, trình diễn nhằm áp dụng toàn bộ những kĩ thuật tiên tiến của mô hình CSA vào sản xuất. Kế hoạch nhân rộng chính đến năm 2020 đạt 3.504 ha. Nhân rộng đại trà là diện tích nhân rộng áp dụng toàn bộ hay một phần kĩ thuật ICM vào sản xuất, được thực hiện thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn cho người sản xuất tiếp cận và tự nguyện áp dụng. Diện tích nhân rộng đại trà đến năm 2020 khoảng 1.888 ha.

Theo đó, tiêu chí chọn điểm triển khai nhân rộng chính đối với mô hình CSA thâm canh cây lúa cần có diện tích liền vùng, liền thửa, tối thiểu 10 ha và phải đảm bảo hệ thống tưới, tiêu chủ động, địa hình tương đối bằng phẳng, hạ tầng nội đồng tốt. Có sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền địa phương, ban giám đốc hợp tác xã, tổ hợp tác và được sự đồng thuận tham gia của người dân.

Đối với mô hình CSA nhân rộng chính trên cây màu (lạc, đậu xanh và ngô) cần có diện tích liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 5 ha và phải đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động, hạ tầng nội đồng tốt. Cam kết thực hiện quy trình theo dự án với việc tuân thủ thời vụ gieo trồng; sử dụng giống lạc, đậu xanh và ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt; gieo lạc mật độ dày (45 cây/m2), che phủ nilon cho lạc; tưới nước tiết kiệm theo nhu cầu của cây từng giai đoạn; bón phân cân đối, quản lí dịch hại tổng hợp IPM, xử lí phế phụ phẩm sau thu hoạch làm phân hữu cơ. Cam kết đối ứng kinh phí để thực hiện mô hình nhân rộng. Đối với mô hình CSA nhân rộng trên cây rau cần có diện tích liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu 2 ha và phải đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động; hạ tầng nội đồng tốt.

Với mô hình CSA nhân rộng trên cây tiêu địa phương được lựa chọn nhân rộng phải có truyền thống trồng tiêu với diện tích sản xuất tiêu tối thiểu 50 ha/xã, thị trấn. Mô hình nhân rộng cây tiêu phải có diện tập trung tối thiểu 5 ha, trong đó các vườn hộ tham gia có diện tích tối thiểu 500m2. Nông dân cam kết thực hiện quy trình theo dự án như thiết kế vườn tiêu; đào rãnh thoát nước trong mùa mưa, che tủ trong mùa khô; tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc các kĩ thuật tưới tiết kiệm tiên tiến khác; bón phân cân đối, hợp lí, quản lí dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm...

Với nhân rộng đại trà, tiêu chí lựa chọn và đánh giá các điểm triển khai phải có đối tượng cây trồng phù hợp với dự án (lúa, lạc, đậu xanh, ngô, rau và tiêu), có diện tích đủ lớn để có thể áp dụng nhân rộng. Đối với lúa mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 50 ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 20 ha, liền vùng, liền thửa; tỉ lệ áp dụng sạ hàng tối thiểu đạt 50%; giống mới, ngắn ngày đạt hơn 90%. Đối với cây màu mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 20 ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 10 ha, liền vùng, liền thửa; tỉ lệ áp dụng giống mới, phẩm cấp cao đạt trên 90%. Đối với cây rau mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 5 ha; quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 3 ha, liền vùng, liền thửa; tỉ lệ áp dụng giống mới, phẩm cấp cao đạt hơn 90%; áp dụng biện pháp bón phân cân đối đạt hơn 70%; áp dụng chế phẩm xử lí phế phụ phẩm làm phân bón hữu cơ đạt hơn 70%. Đối với cây tiêu mỗi xã hoặc HTX cần có diện tích tối thiểu 50 ha. quy mô điểm nhân rộng tối thiểu đạt 10 ha; 100% số hộ tham gia thiết kế vườn tiêu có đào rãnh thoát nước trong mùa mưa, che tủ trong mùa khô; trên 70% số hộ tham gia bón phân cân đối, hợp lí, quản lí dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm...

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ chế, chính sách của dự án nhằm hỗ trợ thực hiện nhân rộng các mô hình tập trung vào các hạng mục như giống, các loại vật tư mới (đạm nhả chậm, chế phẩm vi sinh), thiết bị (sạ hàng, lên luống, gieo hạt, thiết bị tưới…) và được định mức hỗ trợ theo Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTCBNN. Để tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình CSA trên cây lúa, cây màu đề nghị Ban Quản lí dự án WB7 cần hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo chủ động áp dụng biện pháp tưới nước ướtkhô xen kẽ và tiêu nước khi bị ngập úng đối với các địa phương vùng dự án. Hỗ trợ máy cuốn rơm để thực hiện việc thu gom rơm ủ làm phân bón hữu cơ và thức ăn gia súc. Tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu và xúc tiến việc liên kết các doanh nghiệp thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để bao tiêu các sản phẩm của mô hình CSA và các mô hình nhân rộng.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144539