Phát triển đường sắt đô thị: cần sự ủng hộ tuyệt đối
Hà Nội đang tập trung nguồn lực cho mục tiêu rất lớn, đến năm 2035 hoàn thành 301km đường sắt đô thị (ĐSĐT) với số vốn đầu tư lên tới hơn 37 tỷ USD.
Phát triển đường sắt đô thị là hướng đi tất yếu, đúng đắn và cần quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên nguồn vốn bỏ ra phải đảm bảo xứng đáng.
Sau nhiều năm chậm trễ do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiếu vốn và công nghệ, ĐSĐT Hà Nội đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt tốc, bù lại quãng thời gian đình trệ trước đây. Sau khi Bộ Chính trị có những kết luận quan trọng, đồng thời Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển ĐSĐT đến năm 2045.
Trước mắt, tới năm 2035, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành 10 tuyến ĐSĐT theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Để xây dựng được 10 tuyến với 301km, Hà Nội cần hơn 37 tỷ USD, trong đó TP đề xuất ngân sách T.Ư hỗ trợ 19%, tương đương trên 8,6 tỷ USD.
Còn lại là vốn vay, ngân sách TP, và đặc biệt là nguồn vốn thu được từ thực hiện mô hình TOD. Điều đó cho thấy Hà Nội đã sẵn sàng một kịch bản phát triển mạng lưới ĐSĐT rất chi tiết, khả thi và thể hiện quyết tâm cao độ. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, TP sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khởi đầu trước mắt.
Kinh nghiệm làm ĐSĐT ở khắp các đô thị phát triển trên thế giới đều cho thấy, Nhà nước phải bỏ tiền ra làm những tuyến đầu tiên, chứng minh hiệu quả và tính khả thi, hấp dẫn mới kêu gọi được nguốn vốn xã hội. Hà Nội cũng không ngoại lệ, nếu thiếu những viên gạch đầu tiên của ngân sách, ĐSĐT sẽ tiếp tục chậm trễ, khó khăn.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khiến nhiều ý kiến băn khoăn là sự khác biệt giữa các công nghệ ĐSĐT dẫn đến khó kết nối, “hòa mạng” chung; việc tiếp thu để tự vận hành, sửa chữa cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Đó cũng chính là một trong những hệ lụy từ việc vay vốn ODA làm ĐSĐT. Bởi khi vay vốn ODA sẽ bắt buộc phải sử dụng công nghệ, nhà thầu của chủ nợ. Càng tăng cường nguồn vốn tự lực, hệ lụy phải chấp nhận sự khác biệt, rủi ro sẽ càng giảm đi.
Từ thực tế vận hành tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu và làm chủ công nghệ. Mặt khác, Hà Nội đã xác định công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu với ĐSĐT, quá trình xây dựng TP sẽ song hành đào tạo nhân lực, tiếp thu kỹ thuật hiện đại để tiến tới có thể tự xây dựng, vận hành, bảo trì, sửa chữa. Quá trình này còn rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng ít nhất đã được định hướng rõ.
Hà Nội đang từng bước tháo gỡ những bất cập, vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình xây dựng, mở rộng mạng lưới ĐSĐT. Đây là lúc TP cần sự ủng hộ tuyệt đối, thiết thực từ Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân. Ngược lại kết quả đột phá của TP cũng sẽ được “đóng gói” thành bài học kinh nghiệm chuẩn chỉ để áp dụng cho các đô thị trên cả nước một cách hiệu quả, phù hợp nhất.
ĐSĐT là xu thế tất yếu của cả thế giới. Nó không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi đồng vốn hôm nay đầu tư cho ĐSĐT sẽ mang lại giá trị gấp trăm, gấp nghìn lần trong tương lai.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-duong-sat-do-thi-can-su-ung-ho-tuyet-doi.html