Đẩy nhanh viện trợ ứng phó khẩn cấp thảm họa thông qua giải pháp bảo hiểm

Năm nay, Việt Nam là một trong số những nước được nhận hỗ trợ từ Quỹ Ứng phó thảm họa khẩn cấp của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC-DREF), được chi trả bởi chương trình bảo hiểm mang tính đột phá, mở ra phương thức huy động nguồn ngân sách mới cho các hoạt động nhân đạo.

Thiệt hai do siêu bão Yagi khiến gia tăng nhu cầu huy động ngân sách đối phó thiên tai từ nhiều nguồn hơn (Ảnh: Phạm Thanh Sơn)

Thiệt hai do siêu bão Yagi khiến gia tăng nhu cầu huy động ngân sách đối phó thiên tai từ nhiều nguồn hơn (Ảnh: Phạm Thanh Sơn)

Bão Yagi đã mang theo mưa lớn, đe dọa khả năng tiếp cận nước uống an toàn và vệ sinh cho 3 triệu người ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, khiến hơn 130.200 người phải di dời và làm hư hại 100 dặm vuông (khoảng 259 km2) diện tích canh tác.

IFRC đã phân bổ 556.021 franc Thụy Sỹ (CHF), khoảng 15,9 tỷ đồng, từ quỹ DREF để thực hiện hỗ trợ các đội ứng phó thiên tai của bão Yagi. Hoạt động hỗ trợ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai, cung cấp cứu trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bằng cách hỗ trợ xây dựng lại nhà ở, cung cấp bộ vật dụng gia đình khẩn cấp và nước sạch, cũng như tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo.

Quỹ IFRC-DREF là nguồn kinh phí quan trọng được phân bổ ngay lập tức cho các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia khi thảm họa xảy ra, đặc biệt là đối với các trường hợp khẩn cấp có quy mô nhỏ hơn và có thể không thu hút được sự chú ý ở cấp toàn cầu.

Trước đây, quỹ này có thể được sử dụng hết trước khi kết thúc năm. Để đáp ứng nhu cầu ứng phó thiên tai ngày càng gia tăng, IFRC hợp tác với Aon và các công ty tái bảo hiểm vào năm 2023 để thu xếp một chương trình bảo hiểm cho quỹ, lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo.

Từ đầu năm 2023, với mức phí bảo hiểm hàng năm là 3 triệu CHF, IFRC-DREF được bảo hiểm trên cơ sở chi trả bồi thường lên tới 15 triệu CHF khi nhu cầu sử dụng quỹ IFRC-DREF do thảm họa liên quan đến thiên tai đạt đến ngưỡng nhất định - một “mức miễn thường” được thiết lập ở mức 33 triệu CHF một năm. Trong thời gian còn lại của năm, các yêu cầu cứu trợ vượt quá quỹ IFRC-DREF sẽ được bảo hiểm chi trả lên tới mức tối đa 15 triệu CHF.

Năm 2024, đã có gần 100 khoản trợ cấp IFRC-DREF khác nhau, với tổng cộng các khoản chi trả đã vượt mức 33 triệu CHF. Chi phí phân bổ để ứng phó với siêu bão Yagi ở châu Á đã đẩy mức chi trả của IFRC-DREF vượt quá mức miễn thường - ngưỡng kích hoạt bảo hiểm.

Các yêu cầu trợ cấp ứng phó thiên tai sau đó từ các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc gia sẽ được các công ty bảo hiểm sẽ chi trả tới giới hạn tối đa 15 triệu CHF.

Ông Eric Andersen, Chủ tịch Tập đoàn Aon cho biết: “Tổ chức IFRC đã hỗ trợ nơi ở tạm thời, chăn màn, thực phẩm và nước sạch cho cộng đồng bị nạn như họ vẫn làm trong hơn 100 năm qua trên toàn thế giới. Nhưng lần này, viện trợ được các công ty bảo hiểm chi trả, kết quả của một chương trình quản lý rủi ro sáng tạo mà IFRC là tiên phong, thu xếp bởi Aon và có đóng góp từ nhiều nhà tài trợ quốc tế, trong đó có Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FDCO) của Vương quốc Anh”.

“Trường hợp này sẽ không phải là trường hợp cuối. Do rủi ro khí hậu và các rủi ro khác, lũ lụt ở Algérie, bão ở Việt Nam và cháy rừng ở Bolivia đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của 43 triệu người chỉ trong tháng 9/2024. Tại Aon, chúng tôi tin, việc hỗ trợ khẩn cấp không nên bị ảnh hưởng bởi nguồn tài trợ. Chương trình bảo hiểm IFRC-DREF đã chứng minh rằng, khu vực kinh tế tư nhân có thể hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho các tổ chức nhân đạo và những cộng đồng gặp nhiều khó khăn trên thế giới”, ông Andersen nói.

Aon Plc là một trong những nhà tư vấn môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới về quản lý rủi ro, bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm và các giải pháp nguồn nhân lực.

Theo bà Nena Stoiljkovic, Phó tổng thư ký phụ trách về quan hệ toàn cầu và ngoại giao nhân đạo tại IFRC, việc kích hoạt hợp đồng bảo hiểm IFRC-DREF là một sự kiện quan trọng.

“Lần đầu tiên, một hợp đồng bảo hiểm bồi thường thương mại toàn cầu duy nhất sẽ chi trả các chi phí nhân đạo khẩn cấp do thảm họa gây ra. Mức trợ cấp cần thiết cho thiên tai và thảm họa năm 2024 là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc bảo hiểm giúp giảm bớt gánh nặng là một tín hiệu tốt và minh chứng rằng, có những giải pháp tài chính sáng tạo mà chúng tôi hy vọng sẽ phát triển trong những năm tới,” bà Stoiljkovic cho biết.

IFRC cũng có kế hoạch phát triển chương trình bảo hiểm cho quỹ IFRC-DREF, để mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các sự cố ngoài các thảm họa thiên tai.

Bích Ngọc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/day-nhanh-vien-tro-ung-pho-khan-cap-tham-hoa-thong-qua-giai-phap-bao-hiem-d234173.html