Dạy thêm học thêm: Cấm hay tìm giải pháp để quản lý hiệu quả
Dạy thêm - học thêm là 'từ khóa' khá nhạy cảm khiến dư luận xã hội không ít lần bức xúc, yêu cầu xóa bỏ triệt để tình trạng tổ chức dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Thực tế cho thấy, học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thật của học sinh, giáo viên, vì thế nhiều ý kiến cho rằng, không nên cấm mà tìm giải pháp để quản lý hiệu quả hoạt động này, để học thêm, dạy thêm trở về với đúng nghĩa là bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho những học sinh có nhu cầu.
Học thêm ở các lớp học bên ngoài hay học thêm tại trường với chính giáo viên đang dạy, là nhu cầu của rất nhiều phụ huynh học sinh hiện nay:"Gia đình tôi có cháu đang học lớp 5. Tuy nhiên, bố mẹ đều bận đi làm, không có nhiều thời gian để kèm cặp cho con nên tôi cũng có đăng ký để học thêm một số các môn chính để con được rèn luyện kỹ nhuần nhuyễn hơn các kiến thức của mình".
"Tôi cảm thấy học online gần như chất lượng không đảm bảo. Thật sự muốn nhà trường xem xét có thể bố trí được cho các cháu bổ trợ, dạy thêm cho các cháu mấy môn chính vào các buổi chiều trong tuần".
" Không cứ gì thời gian này học online đâu mà kể cả thời gian trước đây học trực tiếp, cũng muốn cho con đi học thêm để con được củng cố thêm kiến thức".
“Có cung, ắt có cầu”, các lớp học thêm được tổ chức trong trường học hay bên ngoài nhà trường vẫn đang diễn dù có nhiều quy định về việc cấm dạy thêm. Giáo viên đi dạy thêm vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, vừa để kiếm thêm thu nhập cũng là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, vì sao việc dạy thêm, học thêm đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Anh Nguyễn Văn Tùng, phụ huynh học sinh và cô giáo Trịnh Thu Tuyết ở Hà Nội nêu ý kiến: "Thực tế khi tôi kiểm tra bài tôi mới thấy rằng có một tình trạng đó là ở lớp cô giáo không dạy hết chương trình và chỉ dạy qua thôi. Nhưng chừng ấy kiến thức con không thể làm nổi và muốn làm được bài đấy buộc phải đi học cô".
"Bây giờ nó có sự biến tướng nhiều lắm. Ví dụ như các thầy cô giáo tổ chức các lớp học thêm nhưng không trực tiếp đứng ra mà thông qua ban phụ huynh. Ban phụ huynh tổ chức các lớp ấy và yêu cầu từng phụ huynh là phải làm đơn tự nguyện, hoặc đơn xin đề nghị cho con học, nhưng cái đơn ấy bản chất của nó là tự nguyện hay không thì chúng ta đều biết, học trò cũng biết".
Dạy thêm, học thêm là quy luật cung- cầu, nhưng sau nhiều năm tồn tại với những biểu hiện tiêu cực len lỏi, đã khiến cơn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận dâng cao. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 vừa qua, vấn đề này tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục- đào tạo. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cấm dạy thêm không phải là giải pháp “trị tận gốc” việc dạy thêm biến tướng gây bức xúc trong xã hội thời gian vừa qua, mà cần có các giải pháp đồng bộ khác nhau. Bởi lẽ, nhu cầu học thêm, dạy thêm có gốc rễ sâu xa đến từ việc áp lực thi cử, áp lực thành tích của giáo dục Việt Nam.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Trường THCS-THPT Đông Bắc Ga, tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Để quản lý việc dạy thêm học thêm có lẽ trước hết là giảm chương trình học, tức là giảm tải nội dung cơ bản để cho giáo viên có thể chuyển tải hết nội dung kiến thức cơ bản trên lớp học sinh. Thứ hai giảm tải bớt những chương trình thi cử. Thi cử nên tập trung vào những nội dung quan trọng. Thứ ba nữa, Bộ hoặc Quốc hội có Luật, những chế tài, nghị định liên quan đến vấn đề dạy thêm để giáo viên có cơ sở pháp lý và thực tiễn để thực hiện".
Cùng chung quan điểm này, Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục khẳng định, khi chưa giải quyết được những bất cập cốt lõi của nền giáo dục thì việc dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục là một thách thức, rất khó chấn chỉnh bằng những mệnh lệnh hành chính: "Tôi nghĩ ngay từ ban đầu nên thay đổi từ câu chuyện là đánh giá giáo viên. Nếu như chúng ta đánh giá giáo viên bằng thành tích của học sinh bắt buộc những câu chuyện này sẽ bị biến tướng. Nhưng nếu như chúng ta đánh giá giáo viên bằng chính sự tiến bộ của học sinh, lúc đó câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Một đứa trẻ mà lúc mới vào học học rất là kém nhưng càng ngày càng khá hơn với sự trợ giúp của cô giáo bằng những kỹ năng và kiến thức của cô lúc đó những cố gắng của cô nên được đền đáp và lúc đó việc dạy thêm học thêm thể trở lại đúng tính chất của nó".
Một số ý kiến cũng cho rằng, vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. Trong khi đó, phụ huynh học sinh muốn trẻ em học thêm để ứng thí hơn là chú ý đến phát triển các kỹ năng mềm, vui chơi, giải trí.
Thực tế cho thấy, xuất phát điểm của việc dạy thêm - học thêm là để bồi dưỡng kiến thức cho hoc, rèn luyện kỹ năng nảy sinh từ chính nhu cầu của người học. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần giải quyết dứt điểm những bất cập cốt lõi của ngành giáo dục, những bất ổn trong tâm lý phụ huynh để tìm lối ra cho vấn đề này. Dạy thêm - học thêm không hẳn là xấu nếu người học có nhu cầu và động lực học tập chính đáng, còn người dạy giàu nhiệt tâm và công tâm trong dạy và học./.