Dạy thêm - học thêm: Tránh nhập nhằng giữa tự nguyện và ép buộc

Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu quan điểm không cấm dạy thêm, chỉ cấm hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm nguyên tắc chuyên môn, song nhiều ý kiến cho rằng, trước áp lực học hành dồn lên con trẻ hiện nay, rất khó để biết được đâu là dạy thêm vi phạm đạo đức, chuyên môn hay không.

Chương trình GDPT mới chú trọng năng lực, phẩm chất người học. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Chương trình GDPT mới chú trọng năng lực, phẩm chất người học. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Nên xác định đối tượng cần học thêm

Thời gian qua, dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT thu hút sự tham gia của dư luận; đồng thời thu hút sự tham gia bàn luận, góp ý từ giáo viên và chuyên gia giáo dục. Đúng dịp 20/11 vừa qua, Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo, liên quan tới nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm, Bộ chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, vi phạm những nguyên tắc chuyên môn. Tức là cấm một số hành vi ép buộc học thêm của của các thầy cô giáo.

Trên thực tế, việc quản lý dạy và học thêm hiện vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều trong dư luận. Các ý kiến ủng hộ thì cho rằng, việc yêu cầu nhóm học sinh yếu học thêm là cần thiết. Đơn cử như khi thảo luận về Điều 11 của dự thảo luật, nêu những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc không “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh (Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển) phân tích, cùng chương trình học, cùng giáo viên, nhưng mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học lực trong một lớp có thể chia thành nhiều nhóm. Trong đó có nhóm không theo kịp bạn bè. Do đó, việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp bạn là cần thiết.

Còn ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo để quy định cho phù hợp. Thực tế, dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển. Theo bà Thủy, khi cho rằng tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên đã giải quyết vấn đề dạy thêm là vẫn còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống. Vì vậy, việc chăm lo chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.

Ở góc độ phụ huynh, nhiều người bày tỏ băn khoăn rằng việc cấm hình thức dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn rất khó, chúng ta làm bằng cách nào để phân định ranh giới giữa dạy thêm vi phạm và dạy thêm không vi phạm. Anh Nguyễn Hoàng Long – Khu đô thị Việt Hưng - Long Biên (Hà Nội) phân tích, đành rằng chủ trương của Bộ GDĐT là không cấm dạy thêm, các phụ huynh cũng không ngần ngại việc cho con học thêm. Vấn đề là học thêm phải được tổ chức như thế nào cho đúng, cần thiết để phát triển được tư duy các cháu, để các cháu thực sự giỏi lên khi học thêm. Còn nếu học ở trường đủ rồi thì có cần thiết phải học thêm không. Ngành giáo dục có giải pháp gì để phân biệt đó là dạy thêm phù hợp hay không phù hợp?

Trong khi đó, chị Trần Tố Nga (phụ huynh học sinh Trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội) cho rằng, tốt nhất là nên dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm trả lại sự công bằng cho các em học sinh. Những học sinh nào yếu kém thì chính nhà trường phải đứng ra tổ chức phụ đạo thêm, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền. Chỉ có như vậy dạy thêm mới không bị coi là vi phạm.

Nêu cao đạo đức trong dạy và học thêm

Trước đó, từ ngày 22/8/2024, Bộ GDĐT cũng đã lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Liên quan đến nội dung này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, nội dung dự thảo Thông tư quy định dạy thêm - học thêm có một số điểm tích cực như tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm chính đáng, công bằng với các ngành nghề khác, cũng được làm thêm. Và dự thảo đưa ra một số quy định nhằm ngăn ngừa trình trạng dạy thêm tiêu cực (ép buộc học sinh). Nhưng có những vấn đề cốt lõi vấn rất cần được làm rõ. Cụ thể là chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) với định hướng là phát triển năng lực, phẩm chất người học. Vậy mà việc dạy học hiện nay vẫn chưa thoát được kiểu nhồi nhét kiến thức, chạy theo điểm số. Việc này đã dẫn tới tình trạng dạy thêm - học thêm. Như vậy thì mục đích của dạy thêm - học thêm chủ yếu là để có điểm số cao. Rõ ràng học thêm như thế sẽ không giúp học sinh phát triển năng lực, kỹ năng mà chỉ mang đến áp lực mệt mỏi.

Điều này đặt ra vấn đề cần quản lý dạy thêm - học thêm thế nào để đó không chỉ là quy định để giáo viên làm cho đúng luật, mà cần có các giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của cả người thầy, người trò và phụ huynh cùng lúc. Các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều. “Một đứa trẻ học thêm quá nhiều chưa chắc đã trở thành một người thành công trong tương lai”- TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, những điều kiện đề ra để dạy thêm là đúng, nhưng phải có những quy định rõ ràng, làm thế nào để nêu cao đạo đức trong dạy thêm, học thêm. Ông Nhĩ nhấn mạnh: Bộ GDĐT từng nhiều lần đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song với đề xuất trên, nếu không quản lý chặt chẽ thì vẫn có lý do để dạy thêm tiêu cực như cách đang làm hiện nay là học thêm “tự nguyện”.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-them-hoc-them-tranh-nhap-nhang-giua-tu-nguyen-va-ep-buoc-10294990.html